Sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ quân vào miền bắc Syria để xóa sổ cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và dân quân người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng cường chiến dịch chống các tay súng người Kurd ở phía đông nam của đất nước cũng như ở miền bắc Iraq.
|
Hiện trường vụ đánh bom xe kép ở thành phố Reyhanli, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2013. Ảnh NSNBC |
Giới chuyên gia nói với đài Deutsche Welle (DW) rằng cả IS lẫn Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) đều bị coi là hiểm họa đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia an ninh Nihat Ali Ozcan tại Đại học Kinh tế và Công nghệ TOBB cho rằng năm 2017 sẽ không phải là một năm an lành đối với Thổ Nhĩ Kỳ "bởi vì hệ sinh thái trong khu vực - đặc biệt ở Iraq và Syria - đang thay đổi rất nhanh chóng và có nhiều lý do liên quan đến điều đó”. Ông giải thích: “Có rất nhiều tổ chức khủng bố đang hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ và đang nhắm mục tiêu vào nhà nước và công chúng. Cả PKK, IS lẫn Đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP-C) đều đang ráo riết hoạt động".
Mỹ, Liên minh Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt kê nhóm DHKP-C là một tổ chức khủng bố.
Hậu quả của làn sóng thanh trừng ở Thổ Nhĩ Kỳ
Chuyên gia Ozcan cho biết các cuộc thanh trừng do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sau cuộc đảo chính 15/7 cũng có thể gây ra mối đe dọa an ninh nữa. Ông nói thêm: "Nhiều quan chức hiến binh, quân đội, cảnh sát, tư pháp và các cơ quan hình sự đã bị đình chỉ chức vụ, bổ nhiệm lại hoặc bị bắt giữ bị cáo buộc có quan hệ với Phong trào Gullen”.
Tháng trước, tổ chức Hội đồng châu Âu, một tổ chức nhân quyền với 47 nước thành viên (bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết hơn 125.000 công chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải và gần 40.000 người đã bị bắt giữ trong chiến dịch thanh trừng của Ankara.
Chuyên gia Ozcan nói rằng Ankara đã chính trị hóa tất cả các vị trí quan trọng trong chính phủ và kết luận “an ninh sẽ là một vấn đề nghiêm trọng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2017.
Những tín hiệu xấu cho năm 2017
Giáo sư quan hệ quốc tế Mesut Hakki Casin của Đại học luật Ozyegin cho rằng cuộc tấn công đêm giao thừa vào một hộp đêm ở Istanbul khiến 39 người chết cho thấy nó đã được lên kế hoạch tỉ mỉ và gửi một thông điệp rõ ràng cho năm 2017.
Giáo sư Casin nói: "Tôi nghĩ rằng đây là một tín hiệu cho thấy các cuộc tấn công khủng bố sẽ làm nhiễu loạn Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2017. Cuộc tấn công hộp đêm ở Istanbul là một cuộc tấn công có tổ chức ... Đây là lần đầu tiên một địa điểm vui chơi giải trí ở Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công khủng bố”.
Ngày 2/1, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công hộp đêm ở Istanbul. Vụ tấn công đẫm máu này do một tay súng duy nhất thực hiện và tên này vẫn còn tại ngoại. IS nói rằng đây là sự trả thù việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại Syria và mô tả hộp đêm là điểm tập trung của những tín đồ Thiên chúa giáo “ngoại đạo”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lung lay bởi tấn công khủng bố trong quá khứ và phiến quân IS đã bị cáo buộc tiến hành ít nhất nửa tá các cuộc tấn công khủng bố ở nước này.
Căng thẳng leo thang và đụng độ với người Kurd
Tháng trước, hai quả bom đã phát nổ bên ngoài một sân vận động ở Istanbul, làm chết 44 người. Một quả bom xe giết chết ít nhất 13 binh sĩ một tuần sau đó ở trung tâm thành phố Kayseri. Các tay súng người Kurd nhận trách nhiệm về hai cuộc tấn công khủng bố nói trên.
Kể từ khi lệnh ngừng bắn kéo dài hai năm rưỡi kết thúc vào tháng 7/2015, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục đụng độ với các tay súng của PKK ở mạn đông nam nước này.
Căng thẳng đã leo thang sau khi các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd đã bị bắt giữ và các thị trưởng địa phương thành viên HDP ở khu vực đông nam Thổ Nĩ Kỳ đã bị bắt giữ và bị thay thế bắng các quan chức chính phủ.
Chuyên gia Ozcan dự kiến PKK leo thang các cuộc tấn công vào mùa xuân. Ông giải thích: “Liên quan đến PKK, căng thẳng và đụng độ sẽ gia tăng trong mùa xuân này, một phần do điều kiện thời tiết”.
Minh Châu (Theo DW)