Theo nhà phân tích Catherine Shakdam, Quân đội Syria sẽ giải phóng thành phố Raqqa trước Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hỗ trợ, sau khi chiến dịch giải phóng Palmyra dẫn đến những thay đổi có lợi cho Damascus.
|
Quân đội, lực lượng đặc biệt Syria và lực lượng “Chim ưng sa mạc” hiện chỉ còn cách thị trấn chiến lược al-Tabqa khoảng 20 cây số. Ảnh Sputnik |
Quân đội, lực lượng đặc biệt Syria và lực lượng “Chim ưng sa mạc” hiện chỉ còn cách thị trấn chiến lược al-Tabqa khoảng 20 cây số. Thị trấn al-Tabqa có một đập lớn và là một căn cứ quân sự quan trọng bị phiến quân IS đánh chiếm trong năm 2014. Thị trấn chiến lược này cách “thủ phủ” Raqqa khoảng 40 km về phía Tây và là mục tiêu đánh chiếm sắp tới của Quân đội Syria.
Tất cả bắt đầu từ việc giải phóng Palmyra
Chiến dịch tấn công giải phóng Raqqa sẽ không được diễn ra, nếu Nga không hỗ trợ quân sự cho Damascus vào tháng 9/2015. Cuối tháng 3/2016, các lực lượng Syria đã giải phóng thành phố cổ Palmyra vốn bị phiến quân IS tàn phá một phần.
Nhà phân tích Catherine Shakdam, giám đốc của chương trình của Viện Shafaqna nghiên cứu Trung Đông, khẳng định: "Về mặt tâm lý, chiến thắng Palmyra là có ý nghĩa rất to lớn. Người ta đã thấy tác động rõ rệt của chiến thắng này ở Aleppo và bây giờ ở tỉnh Raqqa. Quân đội Syria sẽ giải phóng ‘thủ đô trên thực tế’ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo”.
Thậm chí, bà Shakdam thậm chí còn đưa ra thời điểm mà Quân đội Syria và các đồng minh sẽ chiến thắng ở Raqqa. Theo bà, Raqqa có thể được giải phóng khi “tháng Ramadan” kết thúc vào đầu tháng 7/2016. Sau đó sẽ có một sự thay đổi lớn về cục diện chiến trường trong mùa thu năm nay. Phiến quân IS sẽ tháo chạy hoặc tan rã hoàn toàn.
Phiến quân IS liên tục rút lui
Trên thực tế, tuy vẫn kiểm soát một bộ phận lãnh thổ của Syria và Iraq, phiến quân IS đã phải liên tục rút lui trong hơn một năm qua.
Nhà phân tích Shakdam nói: "Tôi cho rằng phiến quân IS đang tháo chạy. Các khu vực mà chúng kiểm soát đã bị co lại khá nhanh chóng và Quân đội Syria đã được tăng cường đáng kể với sự giúp đỡ của Nga, Iran và Hezbollah. Quân đội Syria đã tái chiếm được khá nhiều lãnh thổ”.
Theo bà Shakdam, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đã trở thành một cái bóng của nó so với trước đây. Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đang từ một “nhà nước tự xưng” biến thành “một nhóm khủng bố”. Điều này hoàn toàn trái ngược so với cách đây hai năm, khi phiến quân ISIS tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng, chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq.
Sự thành công của Quân đội Syria một phần là do việc “cắt đứt viện trợ cho phiến quân IS từ phía Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong thực tế, phiến quân IS và các nhóm cực đoan khác đã được tập hợp và được tiếp tế qua đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria vốn canh gác rất lỏng lẻo.
“Giấc mộng đế vương" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Các báo cáo mới nhất từ Trung tâm hòa giải Nga cho thấy phiến quân của Mặt trận al-Nusra vẫn lũ lượt vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, vận chuyển vũ khí khí tài đến chiến trường. Chỉ riêng trong ngày 3/6, có tới 200 tay súng của Mặt trận al-Nusra từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên vào Syria ở gần Beisun và phát động một cuộc tấn công chống lực lượng chính phủ.
Lẽ ra, phiến quân IS và các nhóm cực đoan khác chống chế độ Assad đã bị tan rã từ lâu, nếu không nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài. Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út đã dung dưỡng những kẻ khủng bố, sử dụng chúng như một phương tiện để thúc đẩy tham vọng địa chính trị của mình.
Nhà phân tích Catherine Shakdam chỉ rõ: “Vấn đề là các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng khủng bố làm vũ khí của chiến tranh không đối xứng. Họ đã cố gắng sử dụng khủng bố để theo đuổi chủ nghĩa đế quốc mới. Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách biến Syria thành một tỉnh của một Đế quốc Ottoman mà Tổng thống Erdogan đang cố gắng xây dựng”.
Minh Châu (Theo Sputnik News)