|
Tổng thống Putin quyết định can thiệp vào các cuộc tranh luận ở Mỹ về Syria.
|
Điều này phần lớn là do những kỳ vọng không thực tế của nhiều người phương Tây sau khi Liên Xô sụp đổ. Họ từng nghĩ rằng Nga sẽ tự cải cách và trở thành “đối tác nhỏ” của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu. Thay vào đó, Liên bang Nga đã trở thành một nhà nước rất độc lập và quyết đoán. Và Tổng thống Putin đã trở thành một biểu tượng khiến cho giới tinh hoa phương Tây thất vọng.
Tổng thống Putin quyết định can thiệp vào các cuộc tranh luận ở Mỹ về Syria, không chỉ để trình bày lập trường của Nga mà còn để khai thác việc Tổng thống Barack Obama không muốn sử dụng vũ lực ở Syria, Quốc hội Mỹ chia rẽ về vấn đề này và hầu hết người Mỹ phản đối một chiến dịch quân sự nữa ở Trung Đông.
Mục tiêu chính của Tổng thống Putin không phải là thỏa thuận với Mỹ về Syria, mà nhằm vào hệ thống an ninh quốc tế nói chung. Luận điểm của ông là một trật tự thế giới ổn định cần dựa vào Liên Hợp Quốc và sự đồng thuận giữa các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ. Xét về khía cạnh này, không có quyết định hệ trọng nào liên quan đến an ninh quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực, mà không có sự chuẩn thuận của Nga. Đối với Putin, điều này sẽ dẫn đến một sự bình đẳng cần thiết giữa 5 cường quốc, những nước mà ông xem là nền tảng ổn định toàn cầu.
Ở mức tối thiểu, Tổng thống Putin tìm cách ngăn chặn chính quyền Obama tấn công quân sự vào Syria. Ông cho rằng chẳng có gì là tốt đẹp khi Mỹ đứng chung một chiến hào ở Syria với “kẻ thù khủng bố” al-Qaeda, thông qua Mặt trận al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông. Là một chính khách thực dụng, ông Putin thấy cần phải làm một điều gì đó để ngăn ngừa Mỹ tấn công quân sự vào Syrian và Nga đã làm điều này thông qua sáng kiến đặt vũ khí hóa học Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Tiếp theo, Tổng thống Putin muốn thuyết phục người Mỹ rằng việc sử dụng vũ lực ở Syria không phục vụ lợi ích quốc gia của nước họ. Sự hỗn loạn và tương lai bất định ở Iraq và Afghanistan là bằng chứng nhãn tiền. Theo ông, can thiệp quân sự chỉ làm suy yếu những ưu tiên cấp bách của Washington như không phổ biến vũ khí hạt nhân và có hại đối với hình ảnh của Mỹ trên toàn thế giới. Đây là những lập luận được nhiều người Mỹ tán đồng.
Mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Putin là đưa nước Mỹ quen hành động đơn phương vào khuôn phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo ông, Mỹ đã tự coi mình cao hơn cả HĐBA và không bị ràng buộc bởi các tổ chức như Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Putin cũng muốn hợp tác với Mỹ, nhưng đó phải là một mối quan hệ hợp tác bình đẳng, mặc dù Mỹ mạnh hơn Nga. Ông quyết tâm biến việc giải quyết cuộc xung đột Syria theo hướng đạt tới sự bình đẳng trong quan hệ Nga-Mỹ. Công thức hợp tác của Tổng thống Putin là: Mỹ và Nga nên hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên đồng thuận, trong khi vẫn tồn tại bất đồng ở những lĩnh vực khác.
Lê Chân (theo Bloomberg)