Hãng AP ngày 19/7 đưa tin Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã từ chối đề nghị đàm phán của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, khi Bắc Kinh ra điều kiện phải gạt sang một bên phán quyết của Tòa Trọng tài PCA được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 về “vụ kiện Biển Đông”.
|
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Ảnh ABS-CBN News |
Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết, ông đã nói với Ngoại trưởng Vương Nghị rằng điều kiện mà Trung Quốc đặt ra là không phù hợp với Hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines.
Ông Yasay nói với ABS-CBN: “Ông Vương Nghị yêu cầu chúng tôi cần phải hướng tới đàm phán song phương, nhưng dường như họ (Trung Quốc) không quan tâm và coi nhẹ phán quyết của Tòa Trọng tài. Vì thế, tôi đã nói với ông ấy rằng điều này là không phù hợp với Hiến pháp và lợi ích quốc gia của chúng tôi (Philippines). Họ nói rằng nếu chúng tôi nhấn mạnh đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế và yêu cầu thảo luận trên cơ sở phán quyết đó (phán quyết PCA) thì có thể dẫn hai nước đến tình thế đối đầu”.
Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á–Âu tại Mông Cổ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương còn cao giọng rằng Philippines thậm chí không nên “có bất kỳ ý kiến gì” về phán quyết PCA.
Trước đó, trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, học giả David A. Welch - nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI) và là giáo sư khoa học chính trị trường Đại học Waterloo – nhận định rằng nếu Bắc Kinh vẫn quả quyết chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “không thể tranh cãi”, thì đàm phán song phương sẽ chẳng còn có ý nghĩa. Giải pháp ưa thích của Bắc Kinh trong phân xử tranh chấp Biển Đông là “đàm phán song phương”. Thế nhưng giải pháp đàm phán song phương này khiến người ta nghi ngờ, khi Trung Quốc vẫn khăng khăng bám lấy cái gọi là chủ quyền “không thể tranh cãi” ở Biển Đông từ “thời xa xưa”.
Theo học giả David A. Welch, đàm phán là nghệ thuật đi tới đồng thuận kiểu “có đi, có lại”. Nếu chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “không thể tranh cãi”, thì đàm phán song phương về vấn đề này còn có ý nghĩa gì?
Giáo sư David A. Welch nhận định: Trung Quốc muốn đàm phán song phương để có thể buộc các nước khác phải quy phục. Thế nhưng quả là ngớ ngẩn, nếu Bắc Kinh ngộ nhận rằng Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei sẵn lòng ngồi vào bàn đàm phán chỉ để chấp nhận những điều khoản quy hàng.
Minh Châu (TH)