Đó là nhận định của nhà phân tích Katsuji Nakazawa trong bài viết dưới đây đăng trên Nikkei Asian Review của Nhật Bản.
Một cán bộ ĐCS Trung Quốc kỳ cựu cho biết việc ông Tập Cận Bình ráo riết cải tổ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “có liên quan chặt chẽ với lập trường cứng rắn của ông về vấn đề Biển Đông”.
|
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình ráo riết cải tổ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “có liên quan chặt chẽ với lập trường cứng rắn của ông về vấn đề Biển Đông”. Ảnh Business Insider |
Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tỏ ra rất ngang ngược ở Biển Đông, nơi nước này đang tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng. Vào mùa hè năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyến kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dẫn đến đụng độ giữa các tàu công vụ của hai nước. Trung Quốc cũng đã ráo riết hút cát bồi đắp trái phép, biến các rạn san hô bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành “đảo nhân tạo” và khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.
Một loạt các hành động khiêu khích của Trung Quốc đã diễn ra, kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị một cuộc cải tổ lớn trong quân đội.
Ông Tập đã vấp phải sự kháng cự rất mạnh từ hàng ngũ quan chức quân đội cấp cao. Chính vì vậy mà việc dàn dựng một cuộc khủng hoảng quân sự là một cách hiệu quả ra khỏi một vũng lầy của Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) Tập Cận Bình. Có thể nói, cuộc khủng hoảng Biển Đông đã được ông Tập dùng làm cái cớ để đẩy mạnh cải tổ quân đội.
Đặt quân đội dưới sự chỉ đạo của đảng
Ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc tại Đại hội đảng toàn quốc vào mùa thu năm 2012. Đồng thời, Tổng Bí thư họ Tập cũng giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) cơ quan quân sự hàng đầu mà giám sát Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Ông này cũng được bầu làm Chủ tịch nước vào mùa xuân năm 2013.
Ngay sau khi trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tổng Bí thư chủ trương đặt "quân đội dưới sự chỉ đạo của đảng” và làm cho PLA “có khả năng giành phần thắng trong các cuộc chiến tranh”.
Ngay sau khi giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhanh chóng biến khẩu hiệu cải cách thành hành động. Trong quá trình thực hiện kế hoạch cải tổ PLA, ông Tập đã thanh trừng hai cựu sĩ quan quân đội cấp cao nhất là là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Hai viên tướng này từng giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 2007 đến năm 2012.
Ngày 25/7/2016, một tòa án quân sự đã kết án Quách Bá Hùng tù chung thân vì tội nhận hối lộ. Từ Tài Hậu cũng bị truy tố về tội tham nhũng trong năm 2014, nhưng ông này đã chết vì ung thư tháng 3/2015, trước khi ra hầu tòa.
Hai Phó Chủ tịch CMC Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu bị cáo buộc “bán quan tước” trong quân đội và nhận được những khoản hối lộ khổng lồ.
Trong phán quyết ngày 25/7, tòa án quân sự cho biết Quách Bá Hùng đã nhận hối lộ cực lớn, nhưng không cho biết chi tiết vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ trong bối cảnh đối đầu hải quân Trung-Mỹ ở Biển Đông.
"Văn hóa tham nhũng" trong quân đội Trung Quốc
Tại sao tệ “mua quan, bán tước” trong quân đội Trung Quốc lại phát triển tràn lan và không được kiểm soát lâu như vậy?
Một cái nhìn vào hệ thống “cát cứ địa phương” của PLA có thể giúp trả lời câu hỏi này.
Trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, Hồng quân Trung Quốc (tiền thân của PLA) chỉ có lực lượng lục quân. Sau năm 1949, Trung Quốc thành lập các tổng cục như Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị... là những cơ quan nòng cốt của quân đội. Sau đó, các đại quân khu cũng được thành lập và chịu sự chỉ đạo của các tổng cục. Trước khi cuộc cải cách quân đội của Chủ tịch CMC Tập Cận Bình có của hiệu lực từ đầu năm nay, quân đội Trung Quốc có 7 đại quân khu.
Qua nhiều thập kỷ, các đại quân khu ngày càng trở nên độc lập hơn về ngân sách, nhân sự và chiến lược và qua đó ngày càng tự chủ hơn. Với sự tập trung quyền lực vào 4 tổng cục và 7 đại quân khu, vấn nạn tham nhũng trong PLA đã trở nên phổ biến, tràn lan. Tình hình này vẫn không thay đổi dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Giang Trạch Dân và đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng là hai viên thượng tướng được Chủ tịch Giang Trạch Dân bảo trợ và họ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn trong quân đội.
Từ Tài Hậu, xuất thân từ tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc, được mệnh danh là "Hổ đông bắc", trong khi Quách Bá Hùng - sinh trưởng ở tỉnh Thiểm Tây – có biệt danh là “Sói tây bắc”.
Bạc Nhất Ba, cha của cựu Bí thư Trung Khánh Bạc Hy Lai bị thất sủng, cũng là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong quân đội. “Khai quốc công thần” Bạc Nhất Ba chính là người đã đặt nền móng cho việc thành lập Tập đoàn quân 14 ở tỉnh Vân Nam.
Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã cố gắng nắm lấy Tập đoàn quân 14. Đầu năm 2012, Bạc Hy Lai đã đến thăm Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, để thanh sát Tập đoàn quân 14. Nếu Đại quân khu Thành Đô - chịu trách nhiệm kiểm soát tỉnh Vân Nam - rơi vào tay của Bạc Hy Lai, nội chiến ở Trung Quốc có thể đã nổ ra.
Cải tổ quân đội quyết liệt
Trong nỗ lực cải tổ quân đội quyết liệt của Chủ tịch Tập Cận Bình, bốn tổng cục đã bị thay thế bằng 15 cơ quan chức năng. Bảy đại quân khu được tổ chức lại thành 5 chiến khu và thay đổi nhân sự lớn trong quân đội cũng đã được thực hiện.
Vai trò của Hải quân và Không quân Trung Quốc đã được nâng lên đáng kể trong cuộc cải cách quân đội này. Hai lực lượng này sẽ đóng vai trò chính trong bất kỳ cuộc chiến hiện đại nào – bất kể ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Thái Bình Dương hoặc ở các nơi khác.
Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược đối phó với Mỹ.
Các lực lượng Hải quân và Không quân Trung Quốc hiện được trao quyền hạn tương tự như lục quân. Ngoài ra, việc tạo ra các lực lượng tên lửa và các lực lượng hỗ trợ chiến lược như những thực thể độc lập mới cũng đã làm giảm sức mạnh của lục quân Trung Quốc.
Kể từ khi trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong tháng 11/2012, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã thăng chức thượng tướng, cấp bậc cao nhất trong PLA, cho 23 sĩ quan quân đội.
Biển Đông trong ván bài chính trị Trung Quốc
Ngày 12/7, một tòa án quốc tế được thành lập dưới sự bảo trợ của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, theo đơn kiện của Philippines.
Nếu cho thấy bất kỳ dấu hiệu nhân nhượng nào trước phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài La Haye, Chủ tịch CMC Tập Cận Bình có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy từ bên trong quân đội - từ các lực lượng Hải quân, Không quân và Lục quân. Điều này có nghĩa là đóng chiếc đinh cuối cùng vào “quan tài chính trị” của ông.
Trong cuộc gặp tại Washington hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết với Tổng thống Mỹ Barack Obama không "quân sự hóa" Biển Đông, liên quan đến việc Trung Quốc bồi đắp các rạn san hô và bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Nhưng sau khi phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách chủ quyền tham lam phi lý của Trung Quốc, Tư lệnh Hải quân TQ Ngô Thắng Lợi tuyên bố Trung Quốc sẽ "tiếp tục công trình xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở Nam Hải (Biển Đông) theo đúng kế hoạch”.
Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã phát biểu như trên trong cuộc họp ngày 18/7 của mình với Đô đốc John Richardson, quan chức hàng đầu của Hải quân Mỹ đang ở thăm Trung Quốc.
Ngô Thắng Lợi là quan chức Trung Quốc cấp cao đầu tiên tuyên bố rằng việc xây dựng trên các rạn san hô biến thành đảo này sẽ vẫn tiếp tục. Vị đô đốc họ Ngô không thể đưa ra tuyên bố như vậy mà không có sự chấp thuận của Chủ tịch CMC Tập Cận Bình.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tổ chức cuộc họp với nhiều quan chức quân đội cấp cao vào ngày 27/7, hai ngày sau khi Quách Bá Hùng bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ và trước ngày 1/8, ngày kỷ niệm thành lập của quân đội Trung Quốc.
Cuộc gặp này diễn ra trước hội nghị hàng năm ở Bắc Đới Hà, một hội nghị kín quan trọng của các nhà lãnh đạo đương nhiệm và đã về hưu của Trung Quốc. Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ chuẩn bị nhân sự cấp cao nhất và một số thay đổi nhân sự khác sẽ được công bố tại Đại hội toàn quốc tiếp theo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm 2017.
Những thay đổi này vốn là trọng tâm giằng co ở hậu trường giữa Tập Cận Bình và các đối thủ chính trị ở trong nước. Nếu tiếp tục nắm quyền kiểm soát của quân đội, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trở nên “bất khả xâm phạm”.
Khốn nỗi, để tiếp tục nắm quyền kiểm soát quân đội, ông Tập không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thổi bùng lên khủng hoảng ở Biển Đông.
Minh Châu (Theo Nikkei Asian Review)