Trong bài viết vừa đăng trên tạp chí Asia Times, nhà phân tích MK Bhadrakumar – cựu đại sứ Ấn Độ tại Uzbekistan (1995-1998) và Thổ Nhĩ Kỳ (1998-2001) – đã đặt ra và trả lời câu hỏi nói trên.
|
Tổng thống Putin quyết định cung cấp xe tăng hiện đại cho quân đội Syria để đánh phiến quân. Ảnh express.co.uk |
Những động thái phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn Mỹ-Nga ở Syria
Vào ngày 10/5, phiến quân IS đã cắt đứt tuyến đường tiếp tế quan trọng giữa thành phố Homs và thành cổ Palmyra, chỉ vài tháng sau khi quân đội Syria chiếm lại thành phố cổ này.
Các phương tiện truyền thông Ả-rập Xê-út đưa tin giao tranh giữa lực lượng chính phủ Syria và phiến quân đã bùng phát trước khi lệnh ngừng bắn kết vào nửa đêm 11/5 và các chiến đấu cơ của quân đội Syria đã ném bom trở lại ở chiến trường Aleppo.
Trong khi đó, dòng chiến binh thánh chiến vẫn lũ lượt đổ vào Syria từ bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trái với cam kết Nga ngừng không kích Aleppo, Mỹ khóa chặt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 10/3, báo Junior Safak thân với đảng cầm quyền đưa tin về một sự xâm nhập hạn chế của lực lượng đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria, sâu tới 8 cây số và trải dài 18 cây số ở khu vực Jarablus. Theo tờ Wall Street Journal, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách “nắn gân” Nga và phía Mỹ biết rõ về vụ đột nhập này.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói Mỹ đã đồng ý chuyển giao Hệ thống tên lửa phóng loạt tiên tiến HIMARS cho Thổ Nhĩ Kỳ để triển khai trên biên giới Syria trong tháng 5/2016. Hệ thống tên lửa phóng loạt có tầm bắn tới 90 km này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích vào sâu trong miền bắc Syria.
Trong khi đó, các nhóm phiến quân “ôn hòa” được Mỹ và các đồng minh hỗ trợ như Jaish al-Islam và Ahrar al-Sham vẫn tiếp tục hợp đồng tác chiến với Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria. “Liên minh ma quỉ” này đã giáng cho quân đội Syria một đòn đau ở làng Khan Touman cách thành phố Aleppo 15 km về phía tây nam. Ngày 6/5, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng bị tổng thất nặng nề - với 13 binh sĩ tử trận, 18 binh sĩ bị thương và 6 binh sĩ IRGC khác bị quân nổi dậy bắt giữ ở làng này.
Vì sao Nga và Iran vẫn rất thận trọng trong hành động?
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani nói rằng mối lo của Tehran đã trở thành sự thật, mặc dù trên nguyên tắc, Iran không phản đối thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã điện đàm với Ngoại trưởng Iran Mohammed Zarif để thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và Nga ngày 10/5 đã kiến nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa hai nhóm Jaish al-Islam và Ahrar al-Sham vào danh sách khủng bố. Nhưng Mỹ và các đồng minh phương Tây tại Hội đồng Bảo an đã bác bỏ kiến nghị này.
Mỹ và các đồng minh coi hai nhóm thánh chiến này là các nhóm chiến đấu hiệu quả nhất hiện nay, mặc dù các nhóm này vẫn hợp đồng tác chiến với Mặt trận al-Nusra nằm trong danh sách khủng bố.
Vì sao Nga không ném bom vào hai nhóm phiến quân Jaish al-Islam và Ahrar al-Sham đã và đang cộng tác với Mặt trận Al-Nusra ở mặt trận Aleppo?
Ở Aleppo, Nga đã hành động khá thận trọng có lẽ vì còn bận tập trung lực lượng để hóa giải sức ép của phiến quân IS ở tỉnh Homs và thành phố cổ Palmyra. Điện Kremlin có nguy cơ bị mất mặt nếu thành phố cổ Palmyra lại rơi vào tay phiến quân IS một lần nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 10/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngầm cảnh báo Moscow rằng Nga có nguy cơ bị rơi vào “một vũng lầy ở Syria” và "trở thành mục tiêu thánh chiến của toàn bộ thế giới Hồi giáo Sunni”. Ông Kerry đã chỉ ra rằng Nga đang với đối mặt với khó khăn kinh tế cùng nhiều thách thức khác. Chính vì vậy, Moscow và nên "tránh bị sa lầy ở Syria” như thất bại của Liên Xô ở Afghanistan.
Cũng có thể , Moscow không muốn chiến dịch Aleppo dẫn đến đụng độ trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Do đó, Moscow đang hành động hết sức thận trọng liên quan đến Aleppo và thiên về việc tiếp tục đưa nhóm Jaish al-Islam và Ahrar al-Sham vào danh sách bị Liên Hợp Quốc trừng phạt, bất chấp thất bại ngoại giao ngày 10/5 tại Hội đồng Bảo an.
Tương tự, lập trường của Iran về Aleppo cũng khá thận trọng. Khi nói về những tổn thất của IRGC ở làng Khan Touman cuối tuần trước, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Shamkhani cũng tránh đề cập đến khả năng tái chiếm thành phố Aleppo.
Mấu chốt ở đây Iran không muốn gây thêm căng thẳng với Mỹ vào thời điểm này.
Đáng chú ý là chuyến đi London trong tuần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm mục đích “bật đen xanh” cho các ngân hàng phương Tây được tự do làm ăn với Iran sau khi các biện pháp trừng phạt bị bãi bỏ. Ông Kerry nói với CNN: “ Theo thỏa thuận của chúng tôi ... các ngân hàng ở Châu Âu được tự do cho vay, giao dịch và mở tài khoản cho Iran cũng như can dự trong lĩnh vực thương mại”.
Tất nhiên, đây là một cử chỉ bất thường của chính quyền Obama, khi “bật đèn xanh” cho các công ty Châu Âu làm ăn với Iran.
Tóm lại, đối với cả Nga lẫn Iran, Aleppo là một trường hợp “ngoại lệ”. Để kiểm chứng trên thực tế mức độ “nhẫn nhịn” của Nga và Iran, người ta có thể phải chờ cuộc họp cấp bộ trưởng của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria dự kiến bắt đầu vào ngày 17/5 tới.
Chỉ có điều, sự “nhẫn nhịn” của Điện Kremlin là có giới hạn và Moscow đã cảnh báo các nhóm phiến quân khác ở Syria bằng việc dùng máy bay ném bom chiến lược Tu-160 không kích tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao Abu Hajar al-Ordoni của Mặt trận al-Nusra ở căn cứ không quân Abu al-Dhuhur. Nhiều chiến binh khủng bố khác cũng bỏ mạng hoặc bị thương trong đợt ném bom dữ dội trong ngày 13/5 này.
Video Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói về cuộc chiến Syria. (Nguồn The Guardian):
Minh Châu (Theo Asia Times)