Việc đứng về bất cứ bên nào trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh đều có thể gây hại đến lợi ích năng lượng của Nga. Do đó, ngày 5/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Đây là vấn đề nội bộ của các nước thành viên Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Chúng ta không được can thiệp vào quyết định của các nước này”.
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Đây là vấn đề của các nước thành viên Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh”. Ảnh: Business Insiders |
Nga không thể đứng về bất cứ bên nào
Quan hệ Nga-Qatar đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Qatar đã tích cực đầu tư vào Nga vào thời điểm nền kinh tế Nga đang bị thiếu hụt đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư Qatar đã mua nhiều cổ phần ngân hàng VTB của Nga và sân bay Pulkovo ở St Petersburg. Vào cuối năm ngoái, 19,5% cổ phần của Rosneft Nga đã được chào bán. Bên mua là Công ty thương mại Glencore và Cơ quan Đầu tư Qatar. Thương vụ này đã mang lại cho ngân sách Nga 700 tỷ rúp (12 tỷ USD), cho phép Bộ Tài chính Nga tránh phải rút tiền từ Quỹ Dự trữ để tài trợ cho ngân sách nhà nước.
Thêm vào đó, Qatar, Nga và Iran là những nước có trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Trụ sở của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, được thành lập năm 2008, nằm ở Doha. Không có gì đáng ngạc nhiên, Qatar, Iran và Nga là những nhà vận động hành lang chính cho việc tạo ra cái gọi là "OPEC khí đốt" – điều mà Ả-rập Xê-út, UAE và Mỹ đang nỗ lực chống phá.
Chỉ có điều, Ả-rập Xê-út cũng là một đối tác năng lượng quan trọng không kém đối với Nga, ít nhất là trong lĩnh vực duy trì các thỏa thuận về sản lượng dầu mỏ.
Do vai trò chủ chốt của Ả-rập Xê-út trong OPEC, việc Moscow vẫn duy trì quan hệ đối tác với Riyadh là cực kỳ quan trọng. Điều này phần lớn là do thâm hụt ngân sách của Nga phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu.
Sự hỗ trợ tinh thần của Kremlin
Mặc dù Moscow vẫn duy trì lập trường trung lập từ những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng GCC, nhưng người Nga vẫn thông cảm với Qatar hơn Ả-rập Xê-út và các nước cùng phe.
Đối thoại tích cực giữa Nga và Qatar tương phản mạnh mẽ với việc thiếu đối thoại về khủng hoảng GCC giữa Moscow và Ả-rập Xê-út/UEA.
Thứ nhất, Qatar đã giành phần thắng trong cuộc chiến tranh truyền thông ở Nga. Mặc dù các cơ quan truyền thông nhà nước Nga đã trình bày một cách trung lập về cuộc khủng hoảng GCC, các chính trị gia và chuyên gia Nga vẫn tỏ ra thông cảm với Qatar.
Thứ hai, Qatar là một đối tác dễ chịu hơn đối với ban lãnh đạo Nga so với Ả-rập Xê-út. Lập trường rất thực dụng của Doha ( ví dụ như lập trường đối với Iran) gần gũi hơn với Moscow so với lập trường quyết đoán của Riyadh. Giống như Qatar, Nga cũng thiên về chủ nghĩa thực dụng trong chính sách đối ngoại.
Cuối cùng, trong tình hình hiện nay, có những yếu tố cạnh tranh địa chính trị giữa Nga và Mỹ. Trong khi Washington thiên vị ra mặt với Riyadh, Moscow đã không có động thái xích lại gần với Qatar. Hơn nữa, các nước ủng hộ Qatar là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, trong khi Nga vẫn duy trì quan hệ đối tác.
Tuy nhiên, tất cả điều nói trên chỉ thể hiện một sự hỗ trợ tinh thần dành cho Qatar và người ta không nên mong đợi gì nhiều hơn nữa từ phía Nga. Gần đây, quan hệ giữa Nga và các quốc gia Vùng Vịnh đã tiến triển đáng kể và việc leo thang xung đột quân sự có thể gây hại cho mối quan hệ này.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)