Vì sao Nga phải tìm kiếm chiến lược mới ở Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Do Mỹ từ chối phối hợp hành động với Nga , Moscow dường như đang tìm kiếm chiến lược mới và sắp xếp lại các mục tiêu ưu tiên ở Syria.

Lần thứ hai trong vòng một tháng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố “ sẽ chiến đấu giải phóng từng tấc đất của tổ quốc chúng ta".
Lần trước, khi ông Assad tuyên bố tương tự, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc nói thẳng rằng điều này không phù hợp với chính sách của điện Kremlin.
Vào thời điểm đó, Nga đang thúc đẩy một giải pháp chính trị và cùng với Mỹ tìm cách chấm dứt chiến sự ở Syria để tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Vi sao Nga phai tim kiem chien luoc moi o Syria?
 Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định đưa xe tăng tiên tiến T-90 đến chiến trường Syria. Ảnh express.co.uk
Tuy nhiên lần này, Moscow không có phản ứng gì. Thay vào đó, Nga đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đến thủ đô Iran Tehran để hội đàm với những người đồng cấp Syria và Iran.
Trước cuộc hội đàm được tổ chức theo sáng kiến của Iran, Bộ Quốc phòng Nga Shoigu cho biết các bên sẽ thảo luận về việc "tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống ISIL (Nhà nước Hồi giáo) và các nhóm khủng bố như Mặt trận al-Nusra".
Iran và Nga đang thiết lập một liên minh “danh nghĩa” ở Syria vì lợi ích chiến lược của hai bên không hoàn toàn trùng hợp. Tuy nhiên, Nga và Iran dường như đã tìm thấy nền tảng chung vào thời điểm hiện tại, đặc biệt khi xảy ra những bất đồng sâu sắc giữa Moscow và Washington.
Ông Sergey Strokan, một nhà phân tích chính trị ở Moscow, nhận định: "Có vẻ như ý tưởng ban đầu của Nga nhằm thành lập một liên minh toàn cầu chống khủng bố đã không trở thành hiện thực. Moscow đã nhiều lần đề nghị rằng cả hai liên minh chống IS (một do Nga lãnh đạo và một do Mỹ cầm đầu) nên đoàn kết lại vì đang phải đối mặt với cùng một kẻ thù. Nhưng phía Mỹ đã không hưởng ứng. Hiện thời, quân đội Mỹ đã giảm mức độ hợp tác với Nga”.
Trên thực tế, hợp tác Nga-Mỹ vẫn hạn chế trong khuôn khổ tránh xảy ra sự cố trên không phận Syria.
"Liên minh chống khủng bố”
Trong nhiều tháng qua, Nga đã cố gắng lôi kéo Mỹ tham gia một số hình thức phối hợp các lực lượng chống khủng bố vì Moscow cần phục hồi sự hợp tác về các vấn đề gây chia rẽ khác như Ukraine và căng thẳng leo thang với NATO.
Tuy nhiên, Mỹ đã cáo buộc Nga tập trung không kích các đối thủ “ôn hòa” của Tổng thống Assad, chứ không phải nhắm vào phiến quân IS.
Bây giờ, có vẻ như điện Kremlin đang tìm kiếm một chiến thắng về chiến lược và tuyên truyền.
Nga đã tăng cường đáng kể sự yểm trợ trên không cho quân đội Syria và các đồng minh của Iran, khi lực lượng này tiến về phía hành phố Raqqa, vốn được coi là “thủ đô” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Đối với Moscow, mục tiêu hàng đầu là hợp pháp hóa "liên minh chống khủng bố" của Nga và cuối cùng cải thiện quan hệ với phương Tây.
Đối với các chính phủ Syria và Iran, mục tiêu của họ là tồn tại và giành được chỗ đứng ở phía đông để ngăn chặn mưu đồ chia cắt lãnh thổ Syria trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
Sau cuộc họp ba bên ở Tehran, Bộ trưởng quốc phòng Iran, tướng Hussein Dehghan, cho biết ông cùng hai người đồng cấp Syria và Nga đã nhất trí về một chiến dịch "quyết định" chống lại "tất cả các nhóm khủng bố".
 
Vi sao Nga phai tim kiem chien luoc moi o Syria?-Hinh-2
 Bộ trưởng quốc phòng Iran, tướng Hussein Dehghan kết quả của sự phối hợp giữa ba nước Nga-Iran-Syria "sẽ được nhìn thấy trong những ngày tới". Ảnh islamtimes.org
Tướng Hussein Dehghan nói kết quả của sự phối hợp Nga-Iran-Syria "sẽ được nhìn thấy trong những ngày tới".
Chỉ có điều, Raqqa không phải là mặt trận duy nhất. Các khu vực trong và xung quanh thành phố Aleppo cũng như các huyện của phiến quân xung quanh thủ đô vẫn tiếp tục là chiến trường chính đối với quân đội Syria và các đồng minh.
Lệnh ngừng bắn ở Syria đã đổ vỡ
Vài ngày trước đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga sẽ hỗ trợ trên không "tích cực nhất" cho bộ binh Syria, trong khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói rằng quân đội Syria cần được hỗ trợ nhiều hơn để "chống khủng bố".
Ngôn từ của Nga trong hai tuần qua đã khác hẳn so với mấy tháng trước đó, kể từ khi Washington và Moscow công bố một thỏa thuận đình chiến trong tháng 2/2016.
Phía Nga cảnh báo rằng việc từ chối Mỹ hợp tác ở Syria sẽ dẫn đến xung đột leo thang.
Cuộc xung đột ở Syria đã thực sự leo thang, khi lệnh ngừng bắn có dấu hiệu sụp đổ và không có gì cho thấy một vòng ba của các cuộc đàm phán tại Geneva sẽ sớm được tiến hành.
Ông Staffan de Mistura, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria, nói: "Chúng tôi không thể đàm phán trước khi tất cả các bên đồng ý một thỏa thuận chuyển đổi chính trị có chót vào ngày 1/8/2016”.
Về phần mình, Nga đã luôn cố gắng cân bằng hành động quân sự với những nỗ lực thúc đẩy một giải pháp chính trị. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố “đã đạt được mục tiêu”, khi ông công bố một phần lực lượng khỏi Syria trong tháng 3/2016. Mục tiêu của ông Putin là làm thay đổi tương quan lực lượng trên thực địa, đủ để mang về một thỏa thuận sẽ bảo vệ lợi ích của Nga ở Syria.
Điều đó đã không xảy ra.
Hiện thời, điện Kremlin đã nhận ra rằng Nga chỉ có thể đạt được mục đích của mình, nếu nó trùng hợp với các mục tiêu của lãnh đạo Syria và Iran: đó là tiến hành chiến dịch quân sự "quyết định", đảo ngược thế cờ và đủ để tuyên bố thắng lợi.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)