Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ở Sochi hôm 3/5 đã kết thúc với kết quả gây “chấn động”: cả hai nhà lãnh đạo tuyên bố đã đạt được thoả thuận về việc thành lập cái gọi là các khu vực "giảm leo thang” (an toàn khu ở Syria). Sáng kiến này cũng đã được thoả thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump và trước đó được thảo luận với Damascus cùng Tehran.
Báo Nga Vzglyad đã gọi đó là "sự thay đổi cơ bản" trong lập trường của Moscow và tự hỏi liệu nó có phải là kết quả của rất nhiều cuộc trao đổi về "sự hợp tác tuyệt vời" giữa Nga và Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích rằng các khu vực "giảm leo thang” như vậy có thể trở thành một trong những cơ chế đảm bảo chấm dứt đổ máu và tạo điều kiện cho việc bắt đầu đối thoại chính trị. Tổng thống Putin cho biết ông đã thảo luận vấn đề này qua điện đàm với Tổng thống Donald Trump và chính quyền Mỹ "ủng hộ những ý tưởng này". Nga cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với Damascus và Tehran về vấn đề nói trên.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã thảo luận vấn đề “an toàn khu” qua điện đàm với Tổng thống Donald Trump và chính quyền Mỹ "ủng hộ những ý tưởng này". Ảnh: The Counter Jihad Report |
Sau đó, ngay trong ngày 3/5, Bộ Ngoại giao Syria nói rằng Damascus ủng hộ đề xuất của Nga về các khu vực giảm leo thang xung đột. Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố: "Cộng hòa Arập Syria ủng hộ đề xuất của Nga nhằm tạo ra các khu vực giảm căng thẳng và cam kết thực hiện Thỏa thuận ngừng bắn đã ký vào ngày 30 tháng 12 năm 2016".
Hôm 4/5, ba nước bảo lãnh ngừng bắn ở Syria là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký bản ghi nhớ về “an toàn khu” ở Syria trong vòng đàm phán hòa bình lần thứ tư ở thủ đô Astana của Kazakhstan và đồng ý thành lập một nhóm lập bản đồ các khu vực an toàn được đề xuất ở Syria.
Ông Oleg Morozov, thành viên Ủy ban đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) của Quốc hội Nga, đã gọi diễn biến nói trên là "dấu hiệu rất tốt", nhưng cảnh báo về việc lạm dụng các cụm từ "giao dịch" hoặc "thương lượng".
Ông nói với báo Vzglyad: "Thiết lập các khu vực như vậy là ý tưởng lâu năm của chúng tôi và nhiệm vụ của chúng tôi là lôi kéo các bên đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột Syria. Do đó việc hai đối tác chính là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ háo hức ủng hộ ý tưởng này là một dấu hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, chúng ta không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về việc đây là chìa khóa để giải quyết tất cả các vấn đề của Syria. Đây chỉ là một sự khởi đầu".
Thượng nghị sĩ Oleg Morozov không nghĩ rằng Nga sẽ chia tay với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông nói tiếp: “Theo thông tin của tôi, Tổng thống Assad đã ủng hộ ý tưởng về bốn khu vực nói trên và điều này được thực hiện với sự chấp nhận của ông… Người Nga có mặt ở Syria theo lời mời của chính phủ hợp pháp của đất nước và không thể hoạt động ở đó mà không có sự chấp thuận của (Tổng thống) Assad”.
Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Sergei Karaganov - đứng đầu Hội đồng về Chính sách Quốc phòng và Ngoại giao tại Trường Kinh tế Cao cấp (Liên bang Nga) cho biết bằng những chiến thắng chính trị ở Syria và ngăn chặn được làn sóng thay đổi chế độ trong khu vực, Nga hiện đang có những vị thế rất mạnh để đạt được các thỏa thuận khác . Ông nói tiếp: "Duy trì (Tổng thống) Assad nắm giữ quyền lực không phải là mục tiêu của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng hòa bình lâu dài tại Syria".
Nhà phân tích chính trị Karaganov không loại trừ khả năng Mỹ có thể nhượng bộ cho Nga trong tương lai - ở Ukraine và ở những nước khác.
Ông nói: "Mọi thứ liên quan chặt chẽ với nhau trong thế giới hiện nay. Nếu có một số khoản đầu tư vốn chung, các bên tham gia sẽ không để cụt vốn. Người Mỹ sẽ thận trọng hơn ở những nơi khác và không chỉ ở Ukraine”.
Trong một bình luận riêng về vấn đề này, chuyên gia phân tích quân sự Nga Alexander Perendzhiev - phó giáo sư Khoa học Chính trị và Xã hội tại Đại học Kinh tế Plekhanov nói với Sputnik rằng có nguy cơ nào đó trong việc chuyển bốn “an toàn khu” nằm dưới quyền kiểm soát của nước ngoài và đặt dưới sự ảnh hưởng của họ.
Phó giáo sư Alexander Perendzhiev nói với Sputnik: "Người ta đang nói rằng những khu vực này sẽ không mâu thuẫn với nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tuy nhiên, xét theo kinh nghiệm thiết lập các khu vực do đồng minh kiểm soát ở nước Đức thời hậu chiến, các lực lượng nước ngoài sẽ ở lại rất lâu. Sau năm 1945, người ta đã nói rất nhiều về nước Đức thống nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, nước Đức đã bị chia thành ba phần riêng biệt - Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Liên bang Đức và Tây Berlin”.
Chuyên gia phân tích quân sự Alexander Perendzhiev kết luận: Các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế bây giờ nên nhớ lại kinh nghiệm này để tránh lặp lại sai lầm tương tự trên lãnh thổ Syria.
Minh Châu (Theo Sputnik News)