Vì sao NATO, Ukraine vội vã tập trận?

Google News

(Kiến Thức) -NATO sẽ tập trận với Ukraine để phòng chống Nga "quấy rối" trong thời gian bầu cử cũng như thành lập chính quyền hợp hiến.

"Cuộc tập trận chung với Ukraine đi cùng với quyết định ngừng các hợp tác dân-quân sự với Nga là những bằng chứng cho thấy NATO đang hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga", các nhà phân tích cho hay.
Vào ngày 1/4/2014, 28 nước thành viên NATO đã đồng ý tăng cường áp lực, ép Nga tuân thủ luật quốc tế, tham gia đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao trong việc tôn trọng đường biên giới của Ukraine. Tổng thư ký NATO Fogh Rasmussen cho biết, việc Nga sát nhập Crimea là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu.
“Trong tình hình hiện tại, NATO đã thực hiện nhiều bước để cho thấy khả năng đoàn kết và phản ứng nhanh chóng trước các vấn đề với an ninh của liên minh. Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố những đảm bảo của NATO để răn đe và bảo vệ chống lại bất cứ sự đe dọa nào đối liên minh”, thông báo từ hội nghị các ngoại trưởng NATO cho hay.
 Ảnh minh họa.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng việc ngừng các hình thức hợp tác giữa NATO và Nga trong bối cảnh hiện tại là một cách để nhà nước Nga cân nhắc trước khi có thêm những hành động mới trong khu vực.
“Quyết định này là một tín hiệu của công đồng quốc tế về một đường ranh giới đỏ mà Nga không nên vượt qua”, ông Constantin Corneanu – chủ tịch hiệp hội Nghiên cứu Địa chính trị và Chiến lược của châu Âu trả lời tờ SETimes cho hay.
Theo bà Catherine Ashton, người địa diện cấp cao của EU trong vấn đề an ninh và đối ngoại phát biểu tại Brussels cho hay sự ưu tiên chính cho liên minh NATO trong tình hình hiện tai vẫn là làm giảm căng thẳng tình hình và kêu gọi Nga có những bước đi rõ ràng.
Nga được cho rằng đã triển khai 10.000 binh sĩ tại biên giới phía đông Ukraine. Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov cho biết một số binh sĩ Nga gần biên giới Ukraine sẽ trở về căn cứ sau khi hoàn thành tập trận và NATO đã làm quá lên việc binh sĩ Nga di chuyển ở gần biên giới phía đông Ukraine.
“Không có bất cứ hạn chế nào với việc di chuyển các đơn vị quân đội trong lãnh thổ Liên bang Nga”, ông Lavrov trả lời báo chí ở Moscow vào ngày 3/4/2014 cho hay. Ngoại trưởng Nga cũng đặt câu hỏi về các hoạt động của NATO tại Đông Âu.
Các đồng minh thể hiện quyết tâm với Ukraine thông qua việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đối tác và đồng ý triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài để giúp Ukraine củng cố biên giới và tăng cường an ninh.
“Sự độc lập, tự chủ và bền vững của Ukraine, cam kết vững chắc với nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền, phát luật, là những chìa khóa quan trọng của an ninh châu Âu cũng như Đại Tây Dương”, thông báo của NATO cho hay.
Tập trận để tránh Nga quấy rối bầu cử?
Trong khi đó, Ukraine đã phê chuẩn việc tổ chức cuộc tập trận chung với các nước châu Âu cũng các thành viên NATO trên lãnh thổ Ukraine. Theo bộ Quốc phòng Ukraine, cuộc tập trận quân sự sẽ được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11/2014.
 Xe tăng Leopard khai hỏa trong cuộc tập trận NATO ở Na Uy.
Các nhà phân tích cho biết sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Ukraine sẽ là chiếc khiên chắn chống Nga cho cuộc bầu cử diễn ra ngày 25/5 cũng như việc xác lập bộ máy mới cho chính phủ Ukraine.
“Quyết định của Quốc hội Ukraine có thể hiểu như một bằng chứng về việc NATO và EU muốn một nhà nước Ukraine độc lập chứ không phải được chia nhỏ như một số kịch bản truyền thông đưa ra”, ông Corneanu cho hay.
Ông Dmitry Tymchuk, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Chính trị ở Kiev cho biết cuộc tập trận của NATO sẽ là yếu tổ kiểm soát rất quan trọng đối với Nga: “Cuộc tập trận chung sẽ rất quan trọng đối với quân sự và chính trị”.
Khoảng 5.000 binh sĩ nước ngoài và Ukraine sẽ tham gia cuộc tập trận chung này với NATO, quyền bộ trưởng bộ Quốc phòng Mikhail Koval cho hay.
“Mục đích chính của cuộc tập trận là chuẩn bị cho các binh sĩ Ukraine trong việc thực hiện các chiến dịch gìn giữ hòa bình và ổn định cũng như bảo vệ quốc gia”, ông Koval trả lời trước Quốc hội Ukraine.
Ukraine cũng yêu cầu NATO hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật quân sự nhưng điều đó không có nghĩa là Ukraine yêu cầu vũ khí, quyền ngoại trưởng Ukraine Andrii Deshchytsia nhấn mạnh.
“Chúng tôi có đủ vũ khí. Chúng tôi chỉ cần các phương tiện kỹ thuật để bảo vệ Ukraine, việc canh gác biên giới trên biển và trên bộ đều cần”, ông Andrii Deshchytsia trả lời tờ SETimes cho hay, “Chúng tôi cần radar và các phương tiện khác để bảo vệ biên giới”.
Danh sách trang thiết bị cần thiết sẽ được gửi đến đại bản doanh của NATO cũng như các nước thành viên.
Ngô Trang