Vì sao Mỹ phải ủng hộ Nhật về Senkaku?

Google News

(Kiến Thức) - Khi cả thế giới đang bị hút vào cuộc xung đột Syria, một cuộc khủng hoảng lớn gấp bội có khả năng diễn ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Tổng thống Obama đang ở trong tình thế khó xử.
Gọi là khủng hoảng lớn vì đây sẽ là một cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới. Cuộc xung đột này có thể lôi kéo Mỹ nhập cuộc và làm lu mờ hoàn toàn các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Trong nhiều năm qua, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn là một nguồn gốc căng thẳng âm ỉ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Tháng 9/2012, chính phủ Nhật Bản đã mua lại 3 hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân và khiến căng thẳng bùng phát trong quan hệ Trung-Nhật. Nếu xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang trên quần đảo Senkaku, Mỹ sẽ đứng trước một sự lựa chọn nan giải: hoặc bỏ rơi Nhật Bản hoặc đánh nhau với Trung Quốc
Mỹ kêu gọi hai bên “xuống thang” căng thẳng
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Obama đã kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản “xuống thang” căng thẳng và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Thế nhưng cách tiếp cận mềm mỏng này tỏ ra không hiệu quả. Bắc Kinh đã bắt đầu gọi Senkaku/Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi”, một cụm từ thường được dành riêng cho các vấn đề như Đài Loan. Và phía Nhật Bản ngày càng cảm thấy bồn chồn lo lắng.
Trong thực tế, cách tiếp cận mềm mỏng của chính quyền Obama đã khuyến khích Trung Quốc có thái độ hiếu chiến hơn. Mới tuần trước, trong một cuộc hội đàm quốc phòng Trung-Mỹ ở Bắc Kinh, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (PLA) Vương Quán Trung đã cảnh báo Mỹ chớ có can thiệp vào vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Trong cuộc hội đàm đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách về chính sách James Miller trả lời rằng Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp này và kêu gọi các bên kiềm chế.
Trung Quốc đang “nắn gân” Mỹ-Nhật
Trung Quốc đang thử thách quyết tâm của Mỹ và đó là mảnh đất màu mỡ cho những tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh.
Nếu chính quyền Obama chỉ biết “khoanh tay đứng nhìn” xung đột Trung-Nhật biến thành cuộc chiến, tổn thất của các đồng minh và mạng lưới đối tác ở Châu Á của Mỹ sẽ là rất lớn. Từ bỏ Nhật Bản có nghĩa là từ bỏ liên minh và cũng có thể là từ bỏ chỗ đứng của Mỹ ở Châu Á.
Vì vậy, chính quyền Obama cần có một cách tiếp cận mới. Tổng thống Obama cần phải từ bỏ thái độ mập mờ của Mỹ.
Hiện có ba mối bận tâm đè nặng lên Tổng thống Obama, khi ông cân nhắc việc đưa ra một tuyên bố rõ ràng.
Thứ nhất, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bao gồm mấy hòn đảo đá cằn cỗi và gần như vô giá trị. Vì sao nước Mỹ phải sa vào chiến tranh với Trung Quốc, và có thể là chiến tranh hạt nhân, chỉ vì mấy hòn đảo không có gì quan trọng này?
Senkaku đã bị biến thành niềm tự hào dân tộc của Nhật Bản.
Nhưng đối với Tokyo thì lại khác. Senkaku đã bị biến thành niềm tự hào dân tộc của Nhật Bản (và của cả Trung Quốc nữa) và thử thách khả năng của Tokyo trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trước một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Thứ hai, Washington luôn phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nhà Trắng luôn tránh đưa ra một tuyên bố rõ ràng bởi vì nó có thể làm cho tình hình nóng lên và căng thẳng hơn.
Nhưng nếu không tỏ thái độ rõ ràng, sự mập mờ của Mỹ sẽ khuyến khích Trung Quốc thúc đẩy tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đi quá xa và tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự. Nếu biết rõ rằng Mỹ cam kết bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư vì quần đảo này nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, Trung Quốc sẽ thiên về “động khẩu”, chứ không “động thủ”.
Thứ ba, có những lo ngại rằng việc Mỹ đứng về một bên trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có thể gây trở ngại cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Nhưng Mỹ vẫn có thể đưa ra một thông điệp rõ ràng bao gồm hai phần: yêu cầu Nhật Bản hướng tới một giải pháp hòa bình và cam kết duy trì liên minh cho đến khi đạt được giải pháp này.
Cuối cùng, một nguyên nhân quan trọng khiến Tổng thống Obama cần bày tỏ thái độ rõ ràng trong việc ủng hộ Nhật Bản không phải vì Tokyo mà vì quan hệ Mỹ-Trung. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không mấy quan trọng và tình trạng thù địch Trung-Nhật là không có gì mới. Cái mới là Trung Quốc bắt đầu phô trương sức mạnh cơ bắp ở Châu Á và có thể gạt ra rìa đồng minh quan trọng nhất của Mỹ là Nhật Bản. Đó là lý do vì sao nếu Mỹ muốn có một vai trò ở Châu Á, nước này phải hỗ trợ Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Lê Chân (theo National Interest)