|
Dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, hàng năm, Mỹ-Nhật vẫn rót hàng chục triệu USD viện trợ phát triển cho đối thủ địa chính trị của họ.
|
Trung Quốc cũng có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới – 3,4 nghìn tỷ, theo số liệu quý đầu của năm 2013. Chưa hết, một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2016.
Từ các số liệu và thực tế, có thể thấy rằng, không chỉ của cải mà cả ảnh hưởng toàn cầu đang chuyển từ thế giới phương Tây và Nhật Bản sang tay con rồng châu Á cùng các quốc gia đang phát triển khác.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, có vẻ như một nghịch lý đó là, Mỹ-Nhật, 2 đối tác thương mại đồng thời cũng là 2 đối thủ địa chính trị hàng đầu của Trung Quốc, hàng năm vẫn cung cấp cho nước này hàng chục triệu USD tài trợ.
|
Các khoản viện trợ kếch xù của Mỹ và Nhật Bản dành cho Trung Quốc đang gây ra tranh cãi mạnh mẽ.
|
Cụ thể, Mỹ cung cấp 28,3 triệu USSD viện trợ nước ngoài và các chương trình tài trợ cho Trung Quốc thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Ngoại giao năm 2012, một báo cáo hồi tháng 5 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội nước này cho biết.
Báo cáo ước đoán, nguồn vốn viện trợ và tài trợ mà Mỹ đổ vào Trung Quốc sẽ giảm nhẹ trong năm 2013, rơi vào khoảng 25,5 triệu USD. Gần một nửa số tiền viện trợ và tài trợ do USAID quản lý, dành để tập chung vào 4 lĩnh vực chính ở Trung Quốc bao gồm: bảo vệ môi trường, nguyên tắc pháp luật, chống HIV/AIDS và duy trì sự ổn định ở khu vực Tây Tạng.
“Tôi tin, viện trợ nước ngoài của chúng ta dành cho Trung Quốc sẽ giúp tăng cường các lợi ích của Mỹ”, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ nhấn mạnh.
Trong khi đó, một quan chức giấu tên của USAID chia sẻ, Mỹ đang dùng các khoản viện trợ và tài trợ dành cho Trung Quốc để đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng cụ thể và khả thi. Đồng thời, theo vị quan chức trên, đó là những khoản viện trợ và hỗ trợ “trực tiếp” và các chương trình này không gây tranh cãi.
Tuy nhiên, về phía Nhật, đồng minh thân cận của Mỹ và đối thủ số 1 của Trung Quốc trong khu vực, các chương trình viện trợ và tài trợ dành cho Trung Quốc của chính phủ nước này chắc chắn gây tranh cãi mạnh mẽ.
Dù ngày 9/7, Nhật ban hành Sách Trắng quốc phòng thường niên cảnh báo, Trung Quốc ngày càng “hành động khiêu khích và nguy hiểm” xung quanh quần đảo tranh chấp giữa 2 nước Điếu ngư/Senkaku. Song bất chấp tranh chấp lãnh thổ không ngừng leo thang cũng như những nhận thức của Tokyo về sự nguy hiểm của Bắc Kinh, Nhật vẫn cấp “một khoản tiền rất kếch xù” để viện trợ và hỗ trợ cho đối thủ của họ, ông Kae Yanagisawa, Giám đốc Ban Đông, Trung Á và Caucasus thuộc Cục Hợp tác Quốc tế nhấn mạnh. Theo ước tính năm 2011, Nhật “vung” tới 800 triệu USD viện trợ phát triển cho Trung Quốc. Thậm chí, năm 2000, viện trợ kinh tế mà Nhật dành cho Trung Quốc đạt 1,98 tỷ USD.
Với việc bỏ ra những khoản tiền kếch xù như vậy, Nhật trở thành nhà tài trợ chính cho Trung Quốc. Cũng như Mỹ, chính phủ Nhật xem các khoản viện trợ và tài trợ dành cho Trung Quốc sẽ giúp nước này đạt được nhiều lợi ích riêng (bao gồm giảm thiểu các nguy cơ từ tình trạng “ô nhiễm không khí”). Tuy nhiên, một số người Nhật quan ngại, nước này đang bỏ tiền túi để giúp kẻ thù phát triển trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ở Washington, năm 2011, viện trợ dành cho Trung Quốc cũng bắt đầu trở thành vấn đề gây tranh cãi sau khi con rồng châu Á vượt mặt Tokyo trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dù vậy trong năm đó, viện trợ Mỹ dành cho Trung Quốc lại đạt mốc cao nhất trong vòng 15 năm qua với 47 triệu USD.
Xuất phát từ nghịch lý đó, tháng 8/2011, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ viết thư kêu gọi chính phủ ngừng viện trợ phát triển cho Trung Quốc. Trong thư, họ nhấn mạnh: “Trung Quốc hiện chắc chắn sở hữu nguồn tài chính đủ để... tự chăm sóc cho công dân của họ mà không cần dựa vào Mỹ”. Một cuộc điều trần trước Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ vào hồi tháng 11/2011 với nhan đề “Vỗ béo Rồng: Đánh giá lại viện trợ phát triển của Mỹ dành cho Trung Quốc”, tiếp tục tập trung thảo luận về vấn đề này. Cuộc điều trần nhằm trả lời cho câu hỏi tại sao Mỹ phải vay tiền của Trung Quốc rồi sau đó lại gần như “biếu không” số tiền đó cho đối thủ để giúp nước này giải quyết các vấn đề riêng của họ như biến đổi khí hậu.
Sau nhiều bàn cãi, cuối cùng, Mỹ bắt đầu cắt giảm nhẹ viện trợ dành cho Trung Quốc. Một quan chức USAID nhấn mạnh, các khoản viện trợ phát triển của Mỹ không “chảy vào túi” của Bắc Kinh mà dành cho người dân Trung Quốc. Theo đó, Mỹ đổ khoảng 7,5 triệu USD (25% toàn bộ ngân sách viện trợ phát triển thường niên dành cho Trung Quốc) để giúp cộng đồng người Tây Tạng phát triển kinh tế thương mại và bảo tồn văn hóa. Quan chức USAID giấu tên nhấn mạnh, các chương trình viện trợ dành cho Tây Tạng “không mang màu sắc chính trị” và khồng liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như dân chủ và pháp quyền, được chính phủ Trung Quốc chấp thuận.
14 triệu USD viện trợ Mỹ dành cho Trung Quốc còn lại không do USAID quản lý trong đó, 3 triệu chảy vào quỹ các tổ chức hòa bình với 146 tình nguyện viên đang hoạt động ở khắp Trung Quốc, ngoại trừ Tây Tạng. Còn 11 triệu USD do Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý dành để chi cho các chương trình hỗ trợ và thúc đẩy “nhân quyền, dân chủ, pháp trị”. Khoản tiền trên chủ yếu chảy vào ngân sách cuả các tổ chức phi chính phủ và các trường đại học Mỹ có trụ sở hoặc chi nhánh ở Trung Quốc.
Điều này chứng tỏ, “việc phát huy pháp trị và dân chủ Mỹ tại Trung Quốc hoàn toàn chưa từng biến mất mà vẫn đang diễn ra”, Dan Blumenthal, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Viện Các doanh nghiệp Mỹ nhấn mạnh. Một câu hỏi được đặt ra là, nếu Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới như một số chuyên gia dự đoán, liệu Mỹ có tiếp tục duy trì viện trợ cho đối thủ số 1 của họ hay không?
Bạch Dương