Khi đối mặt với mối đe dọa của việc CHDCND Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân, Tổng thống Bill Clinton đã tính chuyện sử dụng vũ lực. Nhưng rốt cuộc, ông Clinton đã đàm phán để ký kết Hiệp định khung, theo đó Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân plutoni để đổi lấy viện trợ nhiên liệu và lò phản ứng nước nhẹ từ Mỹ. Sau đó, cả hai bên đều không thực hiện hiệp định này.
Sau đó, Tổng thống George W. Bush đã đưa CHDCND Triều Tiên vào "trục ác quỉ", khi phát hiện Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình làm giàu urani bí mật, vi phạm tinh thần của thỏa thuận với ông Clinton. Sau đó vào năm 2006, Triều Tiên thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên. Thế nhưng đến năm 2007, Tổng thống Bush lại dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ban lãnh đạo Triều Tiên và bắt đầu đàm phán mới. Rốt cuộc, Bình Nhưỡng đột ngột rút khỏi vòng đàm phán 6 bên cuối cùng.
Đến thời Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, Triều Tiên đã hoàn thiện tên lửa, đánh chìm một tàu chiến và pháo kích một hòn đảo của Hàn Quốc. Trong suốt thời gian cầm quyền, Tổng thống Obama theo đuổi chính sách "kiên nhẫn chiến lược", chỉ tăng cường các biện pháp trừng phạt (nặng về kinh tế) hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Hiện thời, Tổng thống Donald Trump đang thừa hưởng cái mớ hỗn độn mà các đời tổng thống tiền nhiệm để lại. Không chỉ ông Kim Jong-un đang thử tên lửa đạn đạo với tốc độ đáng báo động, mà Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Mỹ còn đánh giá rằng Triều Tiên có thể đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa đạn đạo.
Ném chuột…sợ vỡ bình quí
Vậy thì tại sao ba vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm không tấn công cơ sở hạt nhân của Triều Tiên khi họ có cơ hội? Câu trả lời nằm ở Seoul, thủ đô phồn thịnh 25 triệu dân của Hàn Quốc.
|
Quân đội Nhân dân Triều Tiên có đủ trọng pháo tầm xa để hủy diệt thủ đô Seoul. (Nguồn: The National Interest) |
Quân đội Nhân dân Triều Tiên có đủ trọng pháo tầm xa để hủy diệt thủ đô Seoul, tàn sát hàng trăm ngàn người, bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới mới và đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Các vị tổng thống tiền nhiệm của ông Trump đã sợ Triều Tiên trả đũa theo cách này.
Trong những tháng gần đây, các quan chức tình báo Mỹ vẫn cho rằng mối đe dọa này vẫn còn rất thực tế. Mặc dù Mỹ đã có trong tay những biện pháp giảm thiểu nguy cơ như thả bom chùm vô hiệu hóa pháo binh Triều Tiên, nhưng đó là một chiến lược không hoàn hảo và đầy rủi ro.
Một cuộc tấn công Triều Tiên sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường và có thể vô cùng tồi tệ đối với lực lượng Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tối hậu thư của Tổng thống Donald Trump
Liệu cuộc đáp trả bằng “lửa và cơn cuồng nộ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể loại bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên? Ông Trump sẵn sàng tiến xa đến mức nào? Liệu ông có ra lệnh tiến hành xâm lược Triều Tiên để lật đổ chế độ ở Bình Nhưỡng? Và nếu như vậy, liệu đương kim Tổng thống Mỹ có cam kết về nhân lực, nguồn vốn và thời gian để tái thiết bình ổn Bán đảo Triều Tiên thời hậu chiến?
Theo ông William M. Perry - Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Mỹ không thể loại bỏ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên bằng các cuộc tấn công quân sự vì chúng đã được phân tán khắp đất nước trong 20 năm qua. Hơn nữa, cái giá sinh mạng mà người Hàn Quốc phải trả là vô cùng khủng khiếp, không thể chấp nhận.
Rốt cuộc, tối hậu thư “máu lửa” của ông Trump lại cho phép nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un “nắn gân” tổng thống Mỹ đương nhiệm. (Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đã rùm beng về kế hoạch dùng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 tấn công Guam). Thế giới có thể sẽ còn thấy nhiều lời chế giễu và đe dọa trong những ngày tới, nếu tối hậu thư của ông Trump chứng tỏ chỉ là “đe dọa suông” như các vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm từng làm trong quá khứ.
Minh Châu (Theo BLOOMBERG)