Thực tế này cho thấy, Mỹ lại một lần nữa tiêu diệt được nhân vật số 2 trong hàng ngũ lãnh đạo của phiến quân IS. Hồi tháng 8/2015, Fadhil Ahmad al-Hayali, cấp phó của tổ chức khủng bố này, cũng đã chết trong một cuộc không kích do Mỹ tiến hành. Nó cũng không khác nhiều so với nỗ lực chống khủng bố của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào mạng lưới al-Qaeda trước đây: Trước cái chết của Osama bin Laden, cũng có đến 80% nhân vật số 2 của al-Qaeda bị tiêu diệt. Điều gì đang thực sự diễn ra? Tại sao Mỹ (gần như) luôn giết được các "phó tướng" IS nhưng lại "bó tay" trước trùm khủng bố của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi?
|
Tên Abu Alaa al-Afri được cho là đã chết trong một cuộc không kích của Mỹ. Ảnh: CNN
|
Tại sao luôn là số 2? Giới phân tích bắt đầu nêu ra một số giả thuyết. Nổi bật trong số đó là nhận định, Baghdadi là mục tiêu “quá khó” để tìm diệt, trong khi các “phó tướng” của IS thì lại liên quan nhiều đến các công việc khiến dễ bị lộ hình. Là chỉ huy, Baghdadi đảm trách vai trò tổng điều hành IS cũng như thủ lĩnh tinh thần của nhóm này. Hắn không thực sự phải đi nhiều - ra chiến trường và thị sát tình hình. Baghdadi chủ yếu ngồi ở “căn phòng an toàn” để ra chỉ thị, đôi khi xuất hiện trên một số đoạn băng ghi âm, video để tuyên truyền, phô trương thanh thế, kêu gọi thánh chiến...
Theo logic này, các cấp phó và phụ tá hàng đầu của Baghdadi là người trực tiếp phải “ra trận”, điều hành các chiến dịch quân sự. Và một khi tên nào đó đứng ra chỉ huy một trận đánh lớn ở Iraq hay Syria, đương nhiên chúng sẽ phải có mặt ở thực địa. Còn nếu là người phụ trách mảng tài chính của IS, ắt hẳn chúng sẽ phải đi thị sát để bảo đảm rằng nguồn tiền từ dầu lậu, bắt cóc tống tiền vẫn “chảy đều”. Tựu trung lại, khi thực sự xuất đầu lộ diện để làm việc, cấp dưới sẽ không thể “náu mình” kĩ như Baghdadi. Số này dễ trở thành mục tiêu theo dõi của tình báo Mỹ thông qua hoạt động do thám, nghe lén, ảnh vệ tinh và cả từ các nguồn tin mua chuộc. Nó có thể là lời giải thích tại sao dù rất nhiều lần tìm cách triệt hạ Baghdadi, nhưng Mỹ chưa một lần thành công.
Diệt được cấp phó của IS có phải là một chiến thắng quan trọng? Giới chức Mỹ đương nhiên “hồ hởi” trước thông tin về cái chết al-Afri. Thế nhưng có lý do để nghi ngờ rằng, “nhổ bỏ” được nhân vật số 2 này không có nhiều ý nghĩa trong cuộc chiến chống IS hoặc làm suy yếu “sức mạnh” của nhóm này. Các tổ chức khủng bố cỡ như IS, al-Qaeda luôn biết cách tạo ra một bộ máy “quan liêu” mà ở đó nếu chẳng may thủ lĩnh cấp cao (không phải là tối cao) bị sát hại trong một cuộc không kích của máy bay không người lái, thì ngay lập tức sẽ có một nhân vật khác được đôn lên thay thế.
Một báo cáo của Đại học Georgia (Mỹ) do Jenna Jorden soạn thảo cho thấy, “đòn không kích triệt hạ” (sát hại một nhân vật trong hàng ngũ cấp cao của khủng bố) không có nhiều tác dụng trong việc làm giảm mức độ bạo lực mà tổ chức này gây ra. Ông giải thích: ví như al-Qaeda, chúng có một “Bộ chỉ huy” trên thực tế, có sự phân công “lao động”, trách nhiệm, lĩnh vực hoạt động rõ ràng và điều đó cho phép một “lãnh đạo” cấp thấp hơn dễ dàng lên thay thế một nhân vật cấp cao khi tên này bị sát hại. Điều này nhiều khả năng cũng đúng như trong trường hợp của tổ chức khủng bố IS –cái chết của một tên chỉ huy cấp cao nào đó không mang lại hiệu ứng quá lớn trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố này.
Video Afghanistan tiêu diệt một thủ lĩnh IS (Nguồn VTV):
Theo Báo Tin Tức