Vào lúc cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan vẫn tiếp diễn, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã gia tăng các vụ tấn công khủng bố. Một số vụ tấn công khủng bố gần đây đã làm rung chuyển các quốc gia Hồi giáo, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ả-rập Xê-út. Vậy tại sao nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo lại quay sang tàn sát những người cùng đức tin?
|
IS đánh bom khủng bố cạnh Nhà thờ Hồi giáo Nabawi ở Medina, Ả-rập Xê-út. Ảnh en.sindonews.com |
Tiến sĩ Theodore Karasik - chuyên gia phân tích về các vấn đề địa chính trị trong khu vực và là Cố vấn cao cấp của Tổ chức Phân tích các nước Vùng Vịnh có trụ sở tại Dubai (UAE) - nói với Đài phát thanh Sputnik: "Trước tháng Ramadan, Daesh (Nhà nước Hồi giáo IS) đã tuyên bố rằng chúng sẽ làm cho tháng Ramadan này trở nên đặc biệt đẫm máu để báo thù cho những trận đánh đang diễn ra, đặc biệt là những gì đang xảy ra ở Fallujah cũng như ở Syria và Libya. Chúng cố gắng phát đi thông điệp cho giới quan sát rằng ý thức hệ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo vẫn mạnh mẽ và sống động”.
Nói về cuộc tấn công khủng bố tại các quốc gia Hồi giáo khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Bangladesh, Tiến sĩ Karasik cho rằng khi bị đẩy ra khỏi Syria, Libya và Iraq, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo phải tìm kiếm những vùng đất mới để hoạt động và phát động các cuộc tấn công khủng bố.
Trong khi các cuộc tấn công bom xe ở Baghdad có vẻ là một sự trả thù cho thất bại ở Fallujah, các cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út là đáng ngạc nhiên. Cho đến gần đây, cả hai quốc gia Hồi giáo dòng Sunni này còn bị cáo buộc hậu thuẫn cho Daesh (Nhà nước Hồi giáo). Tiến sĩ Karasik cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ từng "gặt hái nhiều lợi ích” từ chính sách không trấn áp Daesh và các nhóm cực đoan khác. Các cuộc tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một thông điệp gửi tới chính phủ ở Ankara. Một số nhà phân tích cho rằng các cuộc tấn công khủng bố của Daesh có thể là một nỗ lực để gây ra tình trạng hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ để chúng có thể "xây dựng một số hình thức hiện diện ở quốc gia này”.
Về các cuộc tấn công khủng bố ở Ả-rập Xê-út trong những ngày cuối cùng của tháng Ramadan,Tiến sĩ Karasik nói rằng phiến quân IS gửi thông điệp tới Quốc vương Salman rằng chúng đã thành công trong việc thâm nhập mọi khu vực, kể cả những nơi linh thiêng nhất của thế giới Hồi giáo, và thách thức sự giám hộ của ông vua này đối với Thánh đường Hồi giáo.
Các cuộc tấn công khủng bố của IS đã “đổ thêm dầu vào lửa” của cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ả-rập Xê-út. Sau sự sụp đổ của giá dầu, Ả-rập Xê-út buộc phải có các biện pháp khẩn cấp, như thông báo c"Tầm nhìn 2030" nhằm chuyển đổi nền kinh tế của đất nước.
Tiến sĩ Karasik cho rằng Ả-rập Xê-út "đang đứng trước ngã ba đường" và việc chọn đi theo hướng nào liên quan đến số phận của đất nước trong những thập kỷ tới. Do đó, các cuộc tấn công khủng bố của Daesh (IS) ở Medina và Qatif có thể nhằm xua đuổi đầu tư, làm suy yếu công cuộc cải cách và sau đó tổn thương vị thế của Quốc vương Salman ở trong và ngoài nước.
Những cuộc tấn công khủng bố nói trên đã gây ra nhiều thách thức mới đối với các cơ quan an ninh của chế độ quân chủ ở Ả-rập Xê-út, nước đã tuyên bố rằng cần phải giảm thiểu Daesh về ý thức hệ. Ngoài ra, còn tồn tại khả năng các lực lượng an ninh Ả-rập Xê-út còn đồng lõa với Daesh, trong một chừng mực nào đó.
Ví dụ rõ ràng nhất cho thấy có sự đồng lõa của giới chức an ninh Vùng Vịnh với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo là một trong những kẻ khủng bố tham gia vụ tấn công bất thành ở Kuwait là một sĩ quan cảnh sát.
Tiến sĩ Karasik khuyến cáo thêm rằng việc đề cao cảnh giác sẽ là cần thiết trong vài ngày tới, trong đó có lễ Eid al-Fitr vào ngày 6/7. Theo đức tin của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và của các nhóm Hồi giáo cực đoan, đánh bom tự sát trong những ngày cuối cùng của tháng Ramadan sẽ khiến cho những kẻ tiến hành “được kính trọng đặc biệt vì tinh thần tử vì đạo” của chúng.
Minh Châu (Theo Sputnik International)