Vì sao Israel sợ Nga cung cấp S-300 cho Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu Nga cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 cho Syria?

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã bay sang Sochi để thuyết phục Tổng thống Putin từ bỏ ý định bán tên lửa phòng không S-300 cho Damascus.

Theo giới phân tích, Israel sẵn sàng dùng biện pháp quân sự để ngăn chặn, trong trường hợp Thủ tướng Benjamin Netanyahu không thuyết phục được Tổng thống Putin từ bỏ ý định bán cho Syria S-300.

Có tin nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định bán cho Syria 6 hệ thống S-300 kèm theo 144 tên lửa tối tân, chỉ 3 ngày sau khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tuần trước tại Moscow, với thỏa thuận mang lại hy vọng giải quyết cuộc xung đột Syria thông qua đàm phán.

Theo nhật báo Nga Kommersant Tổng thống Putin đã xác nhận ý định cung cấp S-300 cho Syria khi trao đổi với Thủ tướng Anh David Cameron.

Là quốc gia láng giềng của Syria và trải qua nhiều cuộc chiến với Damascus, Israel không chấp nhận để cho Syria biến thành an toàn khu cho lực lượng Hezbollah hay nguy hiểm hơn nữa để S-300 lọt vào tay lực lượng này. Đích thân Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 14/5 đã bay sang Sochi với mục đích chính là thuyết phục Tổng thống Putin từ bỏ ý định bán tên lửa phòng không S-300 cho Damascus. Một bộ trưởng Israel cho biết Thủ tướng Netanyahu sẽ làm mọi cách ngăn cản S-300 đến Syria và “gián tiếp cảnh báo sẽ phá hủy các hệ thống S-300 mà Nga cung cấp cho Syria”.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà Nga có ý định cung cấp cho Syria là một thứ vũ khí cực kỳ lợi hại.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà Nga có ý định cung cấp cho Syria là một thứ vũ khí cực kỳ lợi hại chống lại các cuộc không kích nước ngoài và có thể làm đổ vỡ thỏa thuận về Syria đạt được hồi tuần trước giữa Moscow và Washington. Nhưng liệu đã có một thỏa thuận về chuyện này? Nếu có, thỏa thuận này bao gồm những gì?

RIA Novosti  sẽ cố gắng để làm sáng tỏ những nghi vấn về việc Nga bán S-300 cho Syria.

Có hay không việc Nga S-300 cho Syria?

Về mặt kỹ thuật, đó chỉ là tin đồn. Chỉ có một  bằng chứng là báo cáo hàng năm của nhà sản xuất S-300 Nizhny Novgorod, trong đó đề cập đến một hợp đồng bán các hệ thống tên lửa cho Syria năm 2011. Báo cáo này đã biến mất khỏi trang web của nhà máy, nhưng đã bị nhật báo kinh doanh Vedomosti viết rằng theo hợp đồng này, một số lượng không xác định S-300 được dự kiến sẽ chuyển giao cho Syria  giữa năm 2012 và đầu năm 2013.

Tất cả các báo cáo khác đều dựa trên sự rò rỉ thông tin tình báo không rõ nguồn gốcvà nguồn tin ngoại giao. Gần đây nhất, trong các nhật báo Kommersant của Nga và tờ Wall Street Journal đăng tin tuần trước rằng thỏa thuận này bao gồm 4 hệ thống S-300  kèm theo 144 tên lửa và có tổng giá trị 900 triệu USD, với việc giao hàng bắt đầu vào cuối mùa hè này. (Theo ước tính của các chuyên gia, một hệ thống tên lửa S-300 có giá 115 triệu USD và mỗi tên lửa có giá 1 triệu USD hoặc hơn).

Damascus không bao giờ nói về thỏa thuận này và cả nhà xuất khẩu vũ khí độc quyền Rosoboronexport cũng vậy. Bộ Ngoại giao Nga từng nhiều lần nói rằng Moscow đang tuân thủ các hợp đồng hiện có về cung cấp vũ khí phòng thủ, bao gồm cả hệ thống phòng không, cho Syria. Sự mập mờ này đã dẫn đến nhiều đồn đoán rằng có thể S-300 không nằm trong các hợp đồng cung cấp vũ khí hoặc có thể một số bộ phận của S-300 đã được vận chuyển đến Syria trong hai năm qua.

Ai quyết định thông qua thỏa thuận này?

Có thể nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin toàn quyền quyết định về thỏa thuận này. Các hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí có xu hướng bao gồm những thứ vũ khí chiến lược và bom chùm, nhưng không hề đả động đến các hệ thống phòng không. Trong khi đó, thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, phía Nga đã ngăn chặn mọi nỗ lực cấm bán vũ khí cho Syria. Tất nhiên là sẽ có những sự mặc cả ở hậu trường, nhưng không bao giờ được công bố chính thức.

Vì sao S-300 lại trở nên nguy hiểm?

 Hệ thống S-300PMU2 Favorit có thể phóng 6 tên lửa cùng một lúc.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 có từ năm 1978, nhưng đã được hiện đại hóa liên tục để trở thành một hệ thống phòng không tiên tiến, vô cùng nguy hiểm đối với các loại máy bay và tên lửa. Hệ thống S-300PMU2 Favorit có thể phóng 6 tên lửa cùng một lúc và có khả năng tiêu diệt các loại máy chiến đấu F-16 và F-22…vì có tốc độ tên lửa nhanh gấp bội. Hệ thống này sẽ khiến cho các cuộc không kích chống Syria gặp phải nhiều rủi ro và tổn thất đáng kể.

S-300 nhằm vào mục tiêu nào?

S-300 không nhằm vào quân nổi dậy Syria vì lực lượng này không có máy bay chiến đấu. Mặc dù về mặt kỹ thuật, S-300 có thể đánh các  mục tiêu mặt đất, nhưng không ai khờ dại đến mức dùng tên lửa trị giá đến 1,2 triệu USD mỗi quả để chống bộ binh. Tuy nhiên, hệ thống này cực kỳ nguy hiểm đối với việc nước ngoài thực thi một vùng cấm bay trên không phận Syria, như phương Tây đã từng  thực hiện ở Libya năm 2011.

Bao giờ Syria có S-300?

Chính phủ Syria dường như đã có đủ tiền để mua S-300 và thời gian vận chuyển từ St Petersburg đến cảng Tartus của Syria chỉ mất khoảng hai tuần, với điều kiện tàu vận chuyển  không bị chặn lại ở Phần Lan hoặc bị từ chối vào các cảng châu Âu do không được bảo hiểm. Đây là những điều đã từng xảy với các tàu Nga chuyên chở vũ khí cho Syria.

Tờ Wall Street Journal dẫn Israel dự đoán các lô hàng có thể bắt đầu đến Syria vào tháng 8/2013, trong khi báo Al-Quds Al-Arabi nói rằng S-300 đã có mặt ở Syria, mặc dù vẫn còn được đặt dưới sự giám sát của Nga. Tuy nhiên, theo các chuyên gia vũ khí Nga, các nhà sản xuất dường như không có sẵn S-300 trong kho dự trữ. Số hệ thống S-300 không bán cho Iran đã được chuyển nhượng cho một số khách hàng khác như Algeria.

Điều này có nghĩa là hệ thống S-300 bán cho Syria sẽ cần phải được sản xuất và thử nghiệm, một công việc dự kiến sẽ mất khoảng một năm. Hơn nữa, việc đào tạo hàng chục thậm chí hàng trăm trắc thủ vận hành S-300 người Syria sẽ phải mất khoảng 6 tháng. Nhưng vậy có thể thấy việc chuyển giao S-300 cho Syria sẽ diễn ra nhanh nhất vào tháng 11/2013 và có thể lùi đến vào mùa Xuân 2014.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo RIA Novosti)