|
Nguy cơ cướp biển vẫn hiện hữu trên các đại dương.
|
Tin tốt là số vụ cướp biển trên toàn thế giới đã giảm xuống còn 138 vụ trong nửa đầu năm nay, so với 177 vụ cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, các vụ bắt cóc tàu cũng giảm mạnh: chỉ có 7 vụ trong sáu tháng đầu năm nay so với 20 vụ trong nửa đầu năm 2012. Số lượng con tin bị bắt cũng giảm từ 334 người xuống còn 127.
Tin xấu là các vùng biển xung quanh các quốc gia hàng hải ở Đông Nam Á đang đầy rẫy hải tặc. Đặc biệt, vùng biển Đông Nam Á là nơi xảy ra nhiều vụ cướp tàu hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Tính đến cuối tháng 6, đã xảy ra 57 vụ cướp tàu trong khu vực.
Các vùng biển xung quanh Indonesia là những nơi xảy ra nhiều vụ cướp tàu nhiều nhất, với 48 cuộc tấn công tàu thuyền xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2013. Trong số này, có 43 vụ cướp biển xông lên tàu và tấn công thủy thủ đoàn. Các cuộc tấn công tàu thuyền khác được ghi nhận ở eo biển Singapore, vùng biển Malaysia, trong eo biển Malacca và ở Philippines.
Cướp biển từng hoạt động ở các vùng biển Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ, nhắm vào các thương nhân đi qua eo biển Malacca để buôn bán giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Theo ước tính, khoảng 1/3 khối lượng thương mại thế giới vẫn đi qua tuyến hàng hải quan trọng này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nạn cướp biển vẫn tiếp tục phát triển mạnh ở eo biển Malacca.
Điều quan trọng là phải phân biệt được mức độ của các vụ cướp biển. Có những vụ do những kẻ côn đồ cướp phá của cải trong vùng biển tàu thuyền qua lại nhộn nhịp và có hàng nghìn tàu du lịch thả neo trong vùng biển giữa Indonesia và Malaysia cũng như ở Biển Đông. Những tên cướp biển thường tấn công như kẻ trộm trong đêm trong khi tàu neo đậu và hầu hết các thành viên phi hành đoàn đang ngủ.
Nhưng cũng có những vụ cướp biển nghiêm trọng, qui mô lớn do các tổ chức tội phạm toàn cầu phối hợp hành độn. Trong những cuộc tấn công này, khối lượng hàng hóa trị giá hàng triệu USD thường xuyên bị cướp bóc. Một thí dụ điển hình là vụ cướp tàu Petro Ranger, một tàu chở dầu trên đường từ Singapore đến Việt Nam và
bị cướp một khối lượng nhiên liệu trị giá khoảng 3 triệu USD.
Có một thực tế đáng buồn là trong khi cộng đồng thế giới nỗ lực chống cướp biển và đang thu được những thành quả đáng khích lệ, thì thủy thủ đoàn trên các con tàu thương mại lại tỏ ra khá thụ động. Trong thực tế, các thành viên thủy thủ đoàn vốn được đào tạo chống cướp biển lại “khoanh tay chịu trói”. Nhiều thuyền trưởng đã cấm đám thuyền viên dưới quyền mang theo vũ khí lên tàu, khi nhận ra rằng họ thường bị những tên cướp biển đánh bại.
Arthur Bowring, giám đốc điều hành của Hiệp hội chủ tàu Hong Kong, nói với The New York Times: “Nếu chúng tôi trang bị cho thủy thủ đoàn với súng máy hạng nhẹ, đám cướp biển có thể mua súng máy hạng nặng.Và nếu chúng tôi trang bị súng phóng lựu, đám cướp biển có thể mua những thứ vũ khí khủng khiếp gấp bội”.
Lê Chân (theo Diplomat)