Vì sao dễ xảy ra chiến tranh Trung–Nhật?

Google News

(Kiến Thức) - Quan hệ Trung–Nhật là mối quan hệ đối xứng, thực lực tương đương...  tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn quan hệ Trung-Mỹ.

 
Tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) vừa đăng bài bình luận có tựa đề 'Trung-Nhật buộc phải nổ ra chiến tranh?', chỉ ra tâm lý đố kỵ và dò đoán là nguyên nhân quan trọng khiến quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài, trong khi hai bên không có một cơ chế và diễn đàn đối thoại hay trao đổi nào để xóa bỏ tâm lý này. Đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ Trung – Nhật nguy hiểm hơn quan hệ Trung–Mỹ.
Tờ báo cho rằng so với quan hệ Trung – Mỹ, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản nguy hiểm hơn vì đây là mối quan hệ đối xứng “bên tám lạng, kẻ nửa cân”, không bên nào chịu nhượng bộ, đồng thời quan hệ Trung – Nhật có nhân tố lịch sử và chủ nghĩa dân tộc càng khiến cho mối quan hệ giữa hai bên bị đổ thêm dầu vào lửa.
Liên hợp buổi sáng phân tích, xung đột và chiến tranh sẽ nổ ra nếu hai bên là kỳ phùng địch thủ, không bên nào chịu nhân nhượng. Quan hệ Trung – Nhật là mối quan hệ đối xứng, không những thực lực của hai bên tương đương mà chiến lược cũng đối xứng, chính vì thế quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm hơn quan hệ Trung Quốc và Mỹ. Điểm khác nhau giữa hai mối quan hệ này là quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ bất đối xứng, Mỹ là quốc gia phát triển lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước lớn duy nhất mang tính toàn cầu. Trung Quốc chỉ là nước đang phát triển lớn nhất thế giới, vẫn chưa được coi là nước lớn mang tính toàn cầu. Chính vì vậy chiến lược của Mỹ mang tính toàn cầu, còn chiến lược của Trung Quốc chỉ mang tính khu vực.
 
Ngoài ra, chiến lược của Mỹ mang tính tấn công, chiến lược của Trung Quốc mang tính phòng thủ. Về lý thuyết nếu so sánh thực lực và chiến lược, mối quan hệ Trung Quốc và Mỹ sẽ phải nguy hiểm hơn. Nhưng Trung Quốc áp dụng chiến lược bất đối xứng với Mỹ, thế mạnh của Mỹ nằm ở chiến lược quân sự và ngăn chặn, Trung Quốc áp dụng chiến lược cố gắng né tránh, không đấu với Mỹ.
Trung Quốc và Nhật Bản là láng giềng của nhau, đồng thời hai bên lại tồn tại sự tranh chấp lãnh thổ trực tiếp, và hai bên cũng còn rất nhiều vấn đề do lịch sử để lại và tinh thần chủ nghĩa dân tộc, nếu giải quyết không khéo có thể dẫn đến chiến tranh càng khiến mối quan hệ Trung-Nhật đang cháy bị đổ thêm dầu.
Nhật Bản coi Mỹ trở lại châu Á là cơ hội chuyển mình, một là có thể ngăn chặn Trung Quốc, hai là có thể phát triển lực lượng quân sự đầy đủ. Nhật muốn thông qua chính trị, quân sự nâng cao vị thế để thoát khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm kéo dài suốt 20 năm, đồng thời thoát khỏi bóng đen ám ảnh của Chiến tranh thế giới thứ hai, trở thành quốc gia bình thường để thực hiện tham vọng châu Á của mình. Trong vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố: “Dù trong lịch sử hay trong phạm vi luật quốc tế, đảo Senkaku luôn là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản”. Ông cũng tuyên bố: “Sẽ không xem xét bất kỳ sự nhượng bộ nào”.
Còn đối với Trung Quốc, Liên hợp buổi sáng cho rằng cũng không có dư địa nhượng bộ, chỉ có thể áp dụng sách lược đối chọi quyết liệt. Khác với Trung – Nhật, Trung – Mỹ không phải là láng giềng của nhau, Mỹ có căn cứ quân sự ở châu Á, nhưng do lực lượng có hạn, chính vì thế Mỹ buộc phải dựa vào Nhật Bản và Philippines. Ngoài ra Mỹ và Trung Quốc không có những tranh chấp lãnh thổ trực tiếp, Mỹ ngăn chặn Trung Quốc chẳng qua là xuất phát từ chiến lược toàn cầu của mình, chủ yếu là để đề phòng Trung Quốc vượt Mỹ, đe dọa vị thế bá chủ của Mỹ ở châu Á và trên toàn thế giới. Trên thực tế, hành động ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ cũng giống như việc Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của Nhật Bản trong thập kỷ 1980 mà thôi.
Sự nguy hiểm nằm ở chỗ quan hệ Trung – Nhật không hề có van kiểm soát an toàn. Hai bên không có cơ chế đối thoại và diễn đàn để giải quyết khủng hoảng, kết quả chỉ khiến cho khủng hoảng càng nghiêm trọng hơn.
Một điều đáng nói là Mỹ được coi như chiếc van an toàn trong quan hệ Trung – Nhật, vì Mỹ không mong muốn hai bên Trung Nhật xảy ra xung đột và chiến tranh. Tuy nhiên, Liên hợp buổi sáng cũng đổ thừa cho Mỹ là kẻ xúi bẩy giấu mặt đẩy quan hệ Trung – Nhật vào tình trạng như hiện nay. Mục đích của Mỹ là muốn Bắc Kinh và Tokyo duy trì sự mâu thuẫn và xung đột trong trạng thái có thể kiểm soát, để Tokyo và Bắc Kinh đối chọi, kìm kẹp nhau, còn mình thì ngồi hưởng lợi.
Liên hợp buổi sáng khẳng định Mỹ trở lại châu Á, nền tảng của chiến lược này là đồng minh Mỹ-Nhật, trong khi Mỹ có 3 ý đồ rõ ràng: một là kiềm chế Nhật Bản, hai là chặn đứng Trung Quốc, ba là giữ vững vị thế của Mỹ. Và để ngăn chặn Trung Quốc, đương nhiên là Mỹ sẽ phải thả Nhật Bản, để Nhật Bản thay Mỹ ngăn chặn Trung Quốc. Lý tưởng nhất là để Trung – Nhật đấu nhau, kiềm chế lẫn nhau nhằm đạt được sự cân bằng về chiến lược.
Liên hợp buổi sáng dẫn ví dụ cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại, phân tích nguyên nhân khiến chiến tranh bùng nổ: Một là sự phát triển không cân bằng giữa các quốc gia là căn nguyên của chiến tranh, sự phát triển không cân bằng này dẫn đến kết cục một bên được một bên mất, không phải hai bên cùng thắng; Hai là tâm lý đố kỵ, sợ hãi và sự dò đoán, ngộ nhận do tâm lý đố kỵ và sợ hãi đó gây ra là nhân tố quan trọng khiến xung đột leo thang, cuối cùng dẫn đến chiến tranh.
Theo tờ báo Singapore, muốn tránh chiến tranh điều quan trọng trước hết nằm ở chỗ sự phát triển có đem lại cái cùng thắng hay không. Thứ hai cần thấu hiểu đối phương, tránh sự khoe khoang, phô trương, dẫn đến tâm lý đố kỵ và sợ hãi. Thứ ba là cần xây dựng cơ chế đối thoại, xóa bỏ những dò đoán và ngộ nhận. Hiện nay, đố kỵ và dò đoán là nguyên nhân khiến mối quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài, trong khi hai bên không có một cơ chế và diễn đàn đối thoại hay trao đổi nào để xóa bỏ sự đố kỵ và dò đoán đó. Đây chính là nguyên nhân khiến tại sao quan hệ Trung – Nhật trở nên nguy hiểm.
Theo Tiền Phong