Theo nhà phân tích John Everard - cựu đại sứ Anh tại CHDCND Triều Tiên, đây quả là điều đáng xấu hổ, khi các cử tri Mỹ muốn hai ứng viên tổng thống trình bày đối sách trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, một nước Nga mạnh bạo hơn liên quan đến cuộc chiến Syria và các vấn đề nan giải liên quan đến chương trình hạt nhân-tên lửa của CHDCND Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên).
Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ luôn cố gắng ngăn chặn chương trình hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên. Nhưng bất chấp các vòng đàm phán 6 bên, những lời đe dọa, các lệnh trừng phạt và thậm chí cả hành động ve vãn của quốc tế, chương trình hạt nhân-tên lửa của Bình Nhưỡng đã không bị đình chỉ mà còn được tăng tốc.
Trong năm nay, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công hai thiết bị hạt nhân, chứng tỏ Triều Tiên có thể phóng tên lửa từ tàu ngầm và nhiều loại tên lửa trên đất liền, với mục tiêu tăng tầm bắn và độ chính xác. Vào thời điểm này hoặc trong tương lai rất gần, Triều Tiên có khả năng đe dọa hủy diệt một thành phố trên lãnh thổ Mỹ.
|
Mối đe dọa tên lửa hạt nhân của CHDCN Triều Tiên đối với các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đồ họa: Daily Mail
|
Tổng thống Barack Obama đã theo đuổi chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đối với Triều Tiên, dựa trên niềm tin rằng thời gian sẽ đứng về phía Mỹ và Washington có thể kiềm chế Bình Nhưỡng, khi nền kinh tế và vị thế quốc tế của quốc gia khép kính này bị suy yếu, cuối cùng sẽ dẫn đến sụp đổ, cải cách hoặc ít nhất bị buộc phải ký kết một thỏa thuận dài hạn có tính nhượng bộ.
Nhưng chính sách này từ lâu đã “mất thiêng”. Tiến bộ nhanh chóng của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân-tên lửa đã đảo ngược thế cờ. Triều Tiên sẽ ở vào vị thế có thể tống tiền Mỹ với đe dọa tiến hành chiến tranh hạt nhân.
Mấy tháng tới sẽ là khoảng thời gian đặc biệt nguy hiểm. Ban lãnh đạo Triều Tiên biết rằng bất kể bà Clinton hay ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/11/2016, nước Mỹ sẽ rất bận rộn với quá trình đổi chủ và sẽ không phản ứng kiên quyết trước các hành động khiêu khích tồi tệ nhất.
Bình Nhưỡng cũng biết rằng mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang rất căng thẳng. Bất chấp những bất đồng giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, đồng minh Trung Quốc sẽ có thể bảo vệ Triều Tiên khỏi lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn biết rằng Hàn Quốc, đối thủ truyền kiếp của CHDCND Triều Tiên, đang sa vào một vụ bê bối chính trị phức tạp, có thể làm tê liệt Seoul trong một khoảng thời gian.
Hiện thời, mọi thứ đang đi theo cách tính toán của Triều Tiên. Đây là thời điểm hoàn hảo để Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa và tiến hành nhiều hơn các vụ phóng tên lửa.
Đến khi nước Mỹ có một vị tổng thống mới, Triều Tiên có thể đã đủ mạnh để đòi hỏi Mỹ phải ký kết một hiệp ước hòa bình và đồng ý ngừng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc hàng năm. Nếu Mỹ kiên quyết bác bỏ đòi hỏi nói trên, Triều Tiên có thể tung ra hành động khiêu khích gây mất ổn định hơn nữa, có lẽ được hỗ trợ với đe dọa sử dụng các loại vũ khí hạt nhân thực sự.
Theo lộ trình, Bình Nhưỡng hy vọng sẽ thống nhất Bán đảo Triều Tiên vì sự tồn tại của một Hàn Quốc thành công liên tục đe dọa tính hợp pháp của chế độ. Để làm điều này, Triều Tiên có thể lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân, ngăn chặn Washington tiếp viện cho Hàn Quốc bằng cách đe dọa tấn công hạt nhân các thành phố trên lãnh thổ Mỹ và phá hủy các hải cảng mà Lầu Năm Góc sẽ dùng để vận chuyển quân.
Các chuyên gia chính sách Triều Tiên có kinh nghiệm cho rằng hiện không có giải pháp dễ dàng đối với vấn đề Triều Tiên vào thời điểm này, nếu không muốn nói là không hề có bất kỳ giải pháp nào. Tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn cấp thiết giữa các tùy chọn bất lợi. Cũng có thể, vị Tổng thống Mỹ kế nhiệm cũng chẳng làm gì cả và để mặc cho vấn đề hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên “nước chảy bèo trôi”.
Minh Châu (Theo CNN)