Vì sao 30.000 quân Iraq lại thua 800 tay súng ISIL

Google News

Có nhiều lý do khiến quân đội chính quy của Iraq được trang bị tương đối hiện đại lại nhanh chóng tan vỡ trước phiến quân ISIL.

Những sự kiện gần đây tại Iraq khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi quân đội chính quy của quốc gia Cận Đông này được trang bị tương đối hiện đại đã nhanh chóng tan vỡ và bỏ chạy trước những tay súng được coi là phiến quân thuộc phong trào Hồi giáo cực đoan "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria" (ISIS) hay "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant" (ISIL). Có nhiều lý do để lý giải sự việc trên, nhưng đâu là lý do chính dẫn tới sự việc chưa từng có tiền lệ trên thế giới này...
Mâu thuẫn tôn giáo là nguồn cơn chính
Không chỉ tại Iraq, mà tại nhiều quốc gia Cận Đông, tuy cùng theo đạo Hồi, nhưng mâu thuẫn giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shitte rất sâu sắc. Đây cũng là cội nguồn cho nhiều cuộc xung đột tại khu vực này và sự với điển hình là cuộc nội chiến ở Syria. Thậm chí quyền lực của các thủ lĩnh tôn giáo các địa phương còn lớn hơn chính quyền khu vực.
Tại Iraq, với cộng đồng Shitte chiếm đa số thì không ngạc nhiên khi chính quyền đương nhiệm do các cá nhân thuộc dòng Hồi giáo này nắm giữ sau cuộc chiến của Mỹ tại quốc gia Cận Đông này năm 2003. Trong khi đó, cộng đồng Sunni thiểu số tập trung ở miền Bắc Iraq lại luôn chất chứa mâu thuẫn do các vấn đề dân sinh, cũng như phân biệt đối xử tôn giáo.... Điều này đã giải thích cho việc tại sao ISIL theo dòng Hồi giáo Sunni dù có quân lực, trang bị thua kém so với quân đội chính quy Iraq lại có thể nhanh chóng chiếm các tỉnh, thành phố ở miền Bắc Iraq. Thậm chí, tại nhiều thành phố như Mosul, Samara..., khi các thành viên ISIL tiến vào, người dân địa phương đã đổ ra đường chào đón họ nhưng những người anh hùng.
Chiến binh ISIL. 
Ngoài ra, sự "thành công" của ISIL cũng có sự hẫu thuẫn rất lớn từ các cựu chiến binh quân đội Saddam Hussien (cũng thuộc dòng Hồi giáo Sunni), các cựu thành viên Đảng Baath và các quốc gia Hồi giáo Sunni trong khu vực cả về nhân lực lẫn nguồn tài chính.
Điểm đáng chú ý nữa là bản thân ISIL đã có sự "trưởng thành" đáng kể từ khi tổ chức này được thành lập tại Iraq . Khởi đầu chỉ là một nhóm vũ trang nhỏ với tên gọi "Nhà nước Hồi giáo Iraq - ISI" với mục tiêu chống chính phủ Iraq do người Hồi giáo Shitte thân Mỹ, ISIL sau khi tham chiến tại Syria (nguồn gốc của việc đổi tên thành ISIL) sát nhập với chi nhánh của mạng lưới Al-Qeada tại đây. Điều này giúp ISIL trở lên mạnh hơn rất nhiều kể cả về số lượng thành viên lẫn tư tưởng cực đoan. Dù cùng hệ tư tưởng Sunni, nhưng chính Al-Qeada cũng không thể dung nạp và tuyên bố không chấp nhận ISIL hồi đầu tháng 2-2014. Và điều Al-Qeada không ngờ là sau khi ISIL tách ra có tới 65% các thành viên "Jihadist - thánh chiến tử vì đạo" đã quyết định rời bỏ mạng lưới này theo để theo ISIL được họ cho là "vì lý tưởng tôn giáo thống trị và hợp nhất Hồi giáo trên toàn cầu". Thực tế, ở nhiều mặt ISIL đã vượt mặt Al-Qeada đứng đầu trong phong trào thánh chiến Hồi giáo không chỉ ở Iraq, mà còn trên quy mô lớn hơn.
ISIL nối tiếng ở sự tàn bạo, theo đuổi việc thành lập nhà nước Hồi giáo hà khắc theo giáo luật Sharia với tuyên bố: " ISIL hay là chết!”
Chuyên gia của Charles Lister thuộc Trung tâm Doha Brookings tuyên bố: " ISIL đang tái hiện ý thức hệ Al-Qaeda ở mức độ cao hơn. ISIL đang trở thành một phong trào xuyên quốc gia với mục tiêu trước mắt đã vượt xa cả lãnh thổ Iraq và Syria”.
30.000 quân Iraq lại thua 800 tay súng ISIL
Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi sau khi thành phố Mosul thất thủ: Tại sao 30.000 quân Iraq được trang bị đầy đủ lại có thể thua 800 thành viên ISIL trang bị kém hơn nhiều. Phần lớn binh sĩ, sĩ quan quân đội Iraq đã bỏ chạy trước khi ISIL tới. Điều này chỉ có thể giải thích bằng việc đó là sự bạc nhược về tinh thần của một đội quân được gây dựng theo kiểu chuyên nghiệp kiểu phương Tây, khi đi lính được coi là một nghề kiếm sống.
Có thể thấy, trong khi giới chức chỉ huy quân đội Iraq là người Hồi giáo Shitte, thì binh sĩ thuộc quyền lại là người Sunni. Chính bản thân binh sĩ không muốn cầm súng bắn vào những người cùng tôn giáo với mình.
Khí tài quân sự của Quân đội Iraq bị bỏ lại.
Cùng với đó, sự tàn bạo của ISIL cũng một phần gây ra tâm lý hoảng sợ trong binh sĩ Iraq. Những cuộc xả súng không khoan nhượng vào người đối lập tay không hay người dân vô tội; những vụ đánh bom liều chết đẫm máu nhằm vào quân đội và trụ sở công quyền Iraq... của ISIL đã khiến danh tiếng của phong trào Hồi giáo này trở thành nỗi đe dọa đối với các lực lượng đối lập.
Việc quân đội Iraq tan rã cũng thể hiện sự suy yếu quyền lực của chính quyền Baghdad, khi chính phủ trung ương không thể kiểm soát được các vùng và "lỗ hổng quyền lực này" được thay thế bởi giáo sĩ, các phong trào Hồi giáo địa phương và cộng đồng người Kurd vốn đang rất khao khát thành lập nhà nước độc lập.
Một điểm đáng chú ý nữa, trong quá khứ tại sao ISIL không thể hoạt động mạnh chủ yếu là do sức mạnh quân sự của quân đội Mỹ đồn trú kiềm chế. Hầu hết các khu vực trọng điểm điều do quân đội Mỹ khống chế, quân đội Iraq chỉ đóng vai trò là lực lượng hỗ trợ. Thật dễ hiểu tới thời điểm hiện tại, khi mất đi sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của Mỹ, ISIL trỗi dậy, quân đội non yếu của Iraq đã thất thế trong cuộc chiến hiện nay
Iraq thực tế đang có nguy cơ chìm trong nội chiến rõ rệt. Thực tế đúng như đại diện người Kurd tuyên bố, Iraq không còn quân đội và sức mạnh hiện nằm trong tay các tổ chức dân quân Shitte, Kurd. Chính những lực lượng này mới đủ khả năng ngăn chặn bước tiến của ISIL.
Sự khác biệt của ISIL so với các tổ chức khủng bố từng tồn tại
Điều làm nên sự khác biệt của ISIL so với các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác là họ không theo đuổi việc tổ chức các hành động khủng bố gây tiếng vang rồi rút lui. ISIL theo đuổi việc thành lập một nhà nước thuần Hồi giáo theo tinh thần Jihadist. Đây là điều chưa từng có tiền lệ và có thể "là cơn ác mộng" không chỉ với các quốc gia Cận Đông, mà còn toàn thế giới.
Hành động tấn công gần đây của ISIL cho thấy họ chủ động đánh chiếm các khu vực có nhiều dầu mỏ ở Iraq. Khi quân đội chính phủ Iraq tháo chạy, ISIL nhanh chóng tiếp quản các kho khí tài hiện đại do Mỹ viện trợ và dùng nó để tái trang bị và tiếp tục chiến đấu.
Các chuyên gia tính toán, sau khi chiếm được Mosul, quân đội Iraq đã bỏ lại 40 vạn đơn vị vũ khí cho ISIL bao gồm không chỉ vũ khí bộ binh, mà còn nhiều trang bị quân sự hạng nặng, hiện đại. Nhiều thành viên của ISIL giờ đã được trang bị không kém tiêu chuẩn binh sĩ hiện đại với quân phục, áo giáp chống đạn, thiết bị nhìn đêm và vũ khí các nhân... Cùng với đó, ISIL cũng có nguồn ngân quỹ dồi dào. Từ các thông tin tình báo tới tháng 6-2014, ISIL có trong tay không dưới 2 tỷ USD để đảm bảo hoạt động của mình.
Hậu phương của ISIL còn được đảm bảo theo tinh thần của thủ lĩnh ISIL Abu-Bakr al-Baghdadi, một giáo sĩ Hồi giáo có đầu óc tổ chức và tầm nhìn. Tại các vùng lãnh thổ do ISIL kiểm soát, giáo luật Hồi giáo Sharia ngay lập tức có hiệu lực: Ăn cắp sẽ bị chặt tay, khung hình phạt tử hình được áp dụng với một loạt tội danh tôn giáo, trong đó có tội từ bỏ tôn giáo, phụ nữ phải che kín mặt khi ra đường, mọi người phải cầu kinh 5 lần một ngày, lăng tẩm và thánh đường Hồi Shitte bị phá bỏ và âm nhạc bị cấm tuyệt đối ở nơi công cộng...
Những giáo luật hà khắc trên nhanh chóng ổn định tình hình ở nhiều vùng tại miền Bắc Iraq vốn chìm trong bất ổn trong hơn 10 năm qua do dự yếu kém của chính quyền địa phương. Và điểm quan trọng nhất là người dân Hồi giáo Sunni cảm thấy được đối xử công bằng, điều chưa từng có dưới chính phủ Iraq của người Shitte.
Điểm khác biệt nữa của ISIL là tại các vùng tạm chiếm, đại diện phong trào này luôn tìm cách trấn an người dân ở lại. Tại Mosul, ngay chiếm được thành phố, ISIL phát cho mỗi người dân một bình gas miễn phí để nấu nướng. Khi những người dân băn khoăn rằng làm sao họ có thể tin được ISIL, đại diện phong trào này trả lời: “Hãy cho chúng tôi thêm thời gian, chúng tôi sẽ nhanh chóng cung cấp số điện thoại. Khi mọi người cần chúng tôi sẽ lập tức giúp đỡ”.
Giới phân tích quốc tế đã thực sự bất ngờ khi thấy ISIL sở hữu một bộ máy công quyền và dân sự khá hoàn chỉnh có tòa án, cảnh sát, trường học và các tổ chức từ thiện. Tại vùng Al-Raqqa, ISIL đã xây dựng chợ, đường xá, các đường dây điện, trạm xá, bưu điện, bến xe…quản lý khí đốt để đảm bảo phân chia công bằng và tổ chức loạt các hoạt động cứu trợ từ thiện cho người dân địa phương.
Đây chính là nền tảng tạo nên "hậu phương yên ổn" để ISIL rảnh tay mở rộng các chiến dịch quân sự ở miền Bắc Iraq.
Theo QĐND