Giới quan sát cho rằng Venezuela đang ngày càng tiến gần hơn tới bờ vực khủng hoảng và bất ổn sau khi Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho phép thu hồi các nhà máy ngừng hoạt động và tổ chức diễn tập quân sự, nhằm chống lại điều mà ông cáo buộc là những âm mưu can thiệp vũ trang.
Ngày 13/5, Tổng thống Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, mở rộng hơn quy mô sắc lệnh về “tình trạng kinh tế khẩn cấp” mà ông từng ban hành hồi tháng 1/2016. Ngày 14/5, ông Maduro cho biết sẽ tổ chức các cuộc diễn tập quân sự vào cuối tuần tới để chuẩn bị cho mọi kịch bản. Hiện chưa rõ sắc lệnh này sẽ có thời hạn trong bao lâu. Trước đó, Tổng thống Maduro nói rằng các biện pháp khẩn cấp sẽ được áp dụng trong 3 tháng và có khả năng kéo dài tới tận năm 2017.
Theo Tổng thống Maduro, chính quyền sẽ thu hồi các nhà máy bị đóng cửa do chủ sở hữu nói rằng không có đủ nguyên liệu thô và ngoại tệ để thanh toán cho các nhà cung cấp. Phát biểu trước đám đông ủng hộ tại Caracas, ông nói: “Chúng ta cần phải thực hiện mọi biện pháp để khôi phục khả năng sản xuất, các hoạt động đang bị giới tư bản âm mưu phá hoại… Tất cả những kẻ muốn trì hoãn hoạt động sản xuất để hủy hoại đất nước hãy ngừng lại và những kẻ âm mưu điều này cần phải bị tống giam”. Tuyên bố của ông Maduro chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới Tập đoàn Polar, doanh nghiệp thực phẩm lớn nhất Venezuela, đã ngừng sản xuất từ ngày 30/4 vừa qua.
|
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trong phiên họp nội các tại Caracas ngày 13/5. Ảnh: EPA/TTXVN.
|
Kể từ khi ông Maduro, đồng minh của cố lãnh đạo Hugo Chavez, lên nắm quyền vào năm 2013, nền kinh tế Venezuela đã bắt đầu đi xuống nhanh chóng. Giá dầu trên thị trường thế giới tụt dốc, sản lượng kinh tế năm 2015 giảm tới 6%, lạm phát trong năm nay dự kiến tăng lên mức 700%, thiếu lương thực, và hạn hán khiến tình trạng thiếu điện càng thêm trầm trọng đang là những nguyên nhân khiến dư luận ngày càng bất bình.
Tổng thống Maduro cáo buộc Mỹ đang tìm cách đẩy khu vực Mỹ Latinh ra xa “làn sóng cánh tả tiến bộ” và nói rằng việc Brazil đình chỉ công tác của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hôm 12/5 vừa qua là một bằng chứng rõ ràng của âm mưu này. Mặc dù một năm trước, Mỹ từng đưa Venezuela vào danh sách các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, song chính quyền của Tổng thống Barack Obama luôn kiềm chế trong việc đưa ra các tuyên bố công khai về tình hình chính trị của quốc gia này để tránh bị xem là can thiệp nội bộ. Tuy nhiên, hôm 13/5 vừa qua, hai quan chức tình báo Mỹ, đề nghị giấu tên, đã trao đổi với báo giới rằng họ dự đoán thời gian ông Maduro tại vị không còn nhiều trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela đang trên đà sụp đổ. Tờ “Washington Post” dẫn lời một trong hai quan chức nói: “Người ta hoàn toàn có thể ý thức được những rạn nứt. Một cuộc khủng hoảng đang tới gần”.
Phe đối lập, lực lượng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12 năm ngoái, gần đây cũng đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng xã hội tại Venezuela. Họ cho rằng sắc lệnh của Tổng thống có thể dẫn tới làn sóng sung công mạnh mẽ, gây bất ổn trầm trọng và cản trở một cuộc trưng cầu dân ý về sự tín nhiệm đối với tổng thống. Phe đối lập đã thu thập được 1,8 triệu chữ ký ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý này. Nếu phe đối lập muốn đạt ý đồ, sự kiện này phải được tổ chức vào cuối năm nay để kịp tiến hành các cuộc bầu cử mới theo Hiến pháp Venezuela. Nếu tiến hành sau thời điểm đó thì Phó Tổng thống sẽ là người lên nắm quyền thay ông Maduro trong trường hợp ông này buộc phải từ nhiệm.
Tuy nhiên, nỗ lực của phe đối lập đã gặp phải rào cản lớn từ phía Ủy ban Bầu cử và các thẩm phán của Tòa án Tối cao. Ngày 15/5, Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz thậm chí còn khẳng định “một cuộc trưng cầu dân ý sẽ không thể buộc ông Maduro từ nhiệm”.
Xem thêm video ông Maduro tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của Venezuela hồi năm 2013 (Nguồn video VTC14):
Theo Báo Tin Tức/TTK