Ukraine: cuộc chiến truyền thông giữa Nga và phương tây

Google News

(Kiến Thức) - Mọi câu chuyện xung quanh khủng hoảng Ukraine đang trở thành chiến trường cho cuộc chiến truyền thông giữa Nga và phương tây.

Tờ Guardian của Anh cho rằng bất cứ báo cáo nào về Ukraine trong những ngày này đều cần xem xét một cách cẩn thận bao gồm cả tin tức của NATO về việc Nga triển khai quân đội ở biên giới phía đông Ukraine.
Kể từ tháng 10/2013, đặc biệt là sau khi chính quyền của ông Viktor Yanukovych sụp đổ vào tháng 2/2014, đã xảy ra một cuộc chiến tuyên truyền giữa Nga và phương Tây. Cả 2 bên đều muốn giành phần đúng về bên mình và cả 2 bên đều tìm được những khán giả cho bên mình.
Nga cho rằng cuộc lật đổ ông Yanukovych là một cuộc đảo chính bất hợp pháp được các phần tử dân tộc cực hữu sắp xếp. Nga cho rằng đã có sự can thiệp của phương Tây cũng như Mỹ trong việc thành lập một chính phủ lâm thời nhằm hướng Ukraine về các nước phương Tây để làm suy yếu nước Nga.
Các nước phương tây cũng như hầu hết các kênh truyền thông vốn có nguồn gốc từ phương tây lại nhìn sự việc theo hướng hoàn toàn khác. Phương Tây cho rằng ông Yanukovych bị lật đổ do một cuộc cách mạng chính đáng. Việc ông Putin sáp nhập Crimea được phương tây cho rằng ông đang muốn lập lại Liên Xô. Theo cách nhìn của phương Tây, sau Crimea, Nga sẽ hướng tới các tỉnh phía đông của Ukraine, Moldova và các nước Baltic cũng như Ba lan.
 Những bức ảnh được NATO đưa ra về quân đội Nga triển khai cũng là một công cụ tuyên truyền?
Báo cáo của NATO về việc triển khai quân của Nga cũng phải được đặt trong hoàn cảnh này. NATO sử dụng những hình ảnh từ nhiều mốc thời gian khác nhau để tạo ra ấn tượng rằng Nga đang triển khai quân đội ở biên giới phía đông Ukraine và sẵn sàng xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, NATO lại cố ý bỏ qua chi tiết quan trọng rằng: tình hình hiện nay như thế nào khi mốc thời gian mới nhất được NATO đưa ra đều đã là từ tháng 3/2014. Khoảng thời gian này vốn là khoảng thời gian nhạy cảm sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Nga triển khai quân có lợi cho cả 2 bên?
NATO muốn cho mọi người thấy Nga đang khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc chiến. Tuy nhiên, tờ Guardian viện dẫn lời một số nhà báo từng tới biên giới phía đông Ukraine cho biết bầu không khí ở đây không căng thẳng như cách NATO mô tả, nếu không muốn nói là yên tĩnh. Những nhà báo này cho biết đây không phải là bầu không khó đáng báo động nếu một quân đội chuẩn bị được triển khai tham chiến. Tờ báo này cũng dẫn lời ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết sau cuộc hội đàm của ông này với ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Nga đã rút một tiểu đoàn từ biên giới Ukraine về. Nói cách khác, cả Nga và Mỹ đều đã xuống thang.
Không điều nào trong 2 yếu tố này có thể mang ý nghĩ rằng Nga sẽ không tiến vào phía đông Ukraine nếu có rối loạn nghiêm trọng xảy ra và có những lời kêu cứu từ các “đồng bào” Nga ở đây. Tất nhiên, việc lời kêu cứu là một kế hoạch của Moscow cũng có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, việc Nga triển khai quân ở biên giới Ukraine cũng đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Moscow cho thấy sự hiện diện quân sự của mình ở gần phía tây Ukraine để cho thấy Nga có thể chịu áp lực từ phương Tây cũng như an ủi dành cho ngững người “đồng bào” ở trong lãnh thổ Ukraine.
Về phía NATO, liên minh phương Tây cần cho thấy hình ảnh về sức mạnh của liên minh này, nhằm duy trì sự tin cậy của liên minh này sau khi thất bại trong việc ngăn Nga sáp nhập Crimea để thuyết phục các nước thành viên rằng họ đang được bảo vệ. Để cho thấy sức mạnh của mình, NATO đòi hỏi một kẻ thù thực sự mạnh. Một nước Nga đang rút lui không cho thấy điều đó.
Ngô Trang