Tình hình đặc biệt trở nên tồi tệ với Tổng thống Donald Trump kể từ khi cựu Giám đốc FBI James Comey ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên vấn đề là ông Trump không chỉ dính vào một, mà nhiều bê bối cùng một lúc. Thêm vào đó vị tỷ phú này thường “khiến cho tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn”.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump thường “khiến cho tình hình hình ngày càng nghiêm trọng hơn”. Ảnh Business Insider |
Chưa đầy 5 tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành một người chịu “án treo”. Người ta đặt câu hỏi: Liệu ông Trump sẽ còn trụ được đến khi nào? Vị Tổng thống Mỹ này không những chìm ngập trong bê bối, mà tốc độ chìm xuồng đang diễn ra ngày càng mau lẹ.
Theo L’Obs, một điều chắc chắn là Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang trực tiếp hướng mũi điều tra vào Donald Trump. Những bằng chứng mà cựu giám đốc FBI James Comey thu thập được có thể dẫn đến việc truy tố tổng thống, trước hết với cáo buộc “cản trở tư pháp”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan biện minh rằng vấn đề của Tổng thống Trump là do “thiếu kinh nghiệm”. Tuy nhiên, lập luận này “không trụ nổi một giây” khi phải đối diện với những sự kiện cụ thể như việc tổng thống Mỹ đã chủ động ra lệnh cho tất cả ra ngoài để một mình đối thoại với Giám đốc FBI James Comey tại Phòng Bầu Dục.
Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn phủ nhận việc đã yêu cầu Giám đốc FBI James Comey ngưng điều tra về Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia vào thời điểm đó, về các quan hệ mờ ám với Nga. Tuy nhiên, hai lãnh đạo an ninh thân cận với Tổng thống Donald Trump là Giám đốc CIA Dan Coats và Giám đốc Cơ quan Anh ninh Quốc gia (NSA) Mike Rogers đều từ chối trả lời trước Thượng viện, khi bị chất vấn : Có được (tổng thống) yêu cầu tác động đến một cuộc điều tra đang diễn ra hay không? Các chuyên gia ngờ rằng, do không trực tiếp tác động được đến đối tượng, tổng thống Mỹ đã dùng hai lãnh đạo CIA và NSA làm trung gian gây ảnh hưởng.
Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt cũng có thể đưa ra ánh sáng những quan hệ bí ẩn có thể có với Nga của 7 nhân vật thân cận với tổng thống, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, điều mà ông Sessions từng thề thốt là không có.
Theo L’Obs, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi Tổng thống Donald Trump đã tiêu tốn toàn bộ năng lượng của chính phủ vào các bê bối, trong lúc cơ may tiến hành các cải cách quan trọng thì “ngày càng teo lại”. Barry Ritholtz, một trong những nhà báo Mỹ nhiều ảnh hưởng nhất, từng tin tưởng Trump có thể thực hiện được 96% chương trình cải cách, nay chỉ cho rằng được đến 25% đã là may mắn.
Về viễn cảnh tương lai của vị “Tổng thống bị án treo” Donald Trump, L’Obs so sánh thái độ của cánh tả Dân chủ với cánh hữu Cộng hòa. Về phía cánh hữu, sự ủng hộ tổng thống ngày càng co lại, trước viễn cảnh đen tối của “một cú sụp đổ đang từ từ diễn ra”.
Càng gần đến thời điểm bầu Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, phe Cộng hòa càng lo đại bại, khi không một cải cách đáng kể nào được thực hiện. Phía phe Dân chủ, thì một mặt chờ kết quả điều tra tiến triển, có bằng cớ vững chắc mới yêu cầu phế truất, mặt khác lại khôn khéo để bất bình trong dân chúng gia tăng.
Liệu Tổng thống Donald Trump có lựa chọn “kịch bản lý tưởng” là từ chức để cứu vãn uy tín của đảng Cộng Hòa ? Báo L’Obs tỏ ra nghi ngờ khả năng này, với nhận xét đầy châm biếm: Việc phế truất cũng có mặt hay của nó. Đó là tạo cơ hội để tỷ phú Donald Trump lập kỷ lục về mặt thu hút khán giả truyền hình.
Minh Châu (BT)