Tướng Trung Quốc hung hăng tại Shangri-La

Google News

Tướng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa tàu chiến ra tuần tra thường xuyên ở những khu vực lãnh hải đang có tranh chấp. 

 
Trung tướng Thích Kiến Quốc - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).

Phát biểu tại hội nghị an ninh thường niên mang tên Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore, Trung tướng Thích Kiến Quốc - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) - đã lên tiếng bảo vệ cho hành động đưa tàu chiến ra tuần tra các khu vực biển tranh chấp của nước này. Ông này cho rằng đó là hành động hợp pháp đồng thời khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với những khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là “không thể tranh cãi”.
 
"Tại sao tàu chiến của Trung Quốc lại tiến hành các nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông và Biển Hoa Đông? Tôi cho rằng, chúng tôi đã nói rất rõ về điều đó. Lập trường về Biển Đông và Biển Hoa Đông của chúng tôi: đó là những khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định về điều này. Vì thế, việc tàu chiến của Trung Quốc thực hiện các hoạt động tuần tra là hoàn toàn hợp pháp và không có gì phải tranh cãi”, tướng Thích Kiến Quốc tuyên bố.
 
Phát biểu đầy thách thức trên được ông Thích Kiến Quốc đưa ra để trả lời cho câu hỏi của một đại biểu tham gia hội nghị an ninh đề nghị cho biết, Trung Quốc làm cách nào để bảo đảm với các nước láng giềng rằng nước này không có tham vọng bá quyền.
 
Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc khẳng định: "Bắc Kinh chưa bao giờ đưa việc bành trướng ra nước ngoài và dùng quân đội để chế ngự, chính phục các nước  khác vào chính sách của quốc gia”.
 
Tuy nhiên, một đại biểu cho rằng, ngày càng có nhiều sự hoài nghi trong khu vực về ý định hòa bình của Trung Quốc bởi lời nói và hành động của họ thường không đi đôi với nhau. Trong khi Trung Quốc khẳng định theo đuổi con đường phát triển hòa bình thì nước này lại thường xuyên đưa tàu hải quân ra tuần tra ở các vùng biển có tranh chấp với nước khác.
 
Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt các nước láng giềng Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh đã khiến không chỉ các nước láng giềng bất bình mà cộng đồng quốc tế cũng thấy tức giận khi trắng trợn và tham lam đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Động rộng lớn, chiến lược và giàu tài nguyên. Trung Quốc đòi chủ quyền đến tận gần sát đường bờ biển của các nước khác và cách xa bờ biển của nước này tới hàng nghìn km.
 
Song song với các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc còn có cuộc tranh chấp cực kỳ căng thẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điều Ngư thuộc biển Hoa Đông.

Trung Quốc: Lời nói khác xa với hành động
 
Phản ứng trước những phát biểu của ông Thích Kiến Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin không ngại ngần tố cáo, lời khẳng định của Trung tướng Thích Kiến Quốc về việc Trung Quốc không có tham vọng bá quyền “khác xa với thực tế những gì đang xảy ra hiện nay” ở các vùng biển.
 
Manila hồi tháng trước đã phản đối cái mà nước này miêu tả là “sự hiện diện khiêu khích và bất hợp pháp” của một tàu chiến Trung Quốc ở gần Bãi Cỏ Mây,  vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và hiện do Philippines chiếm đóng. Trung Quốc đang hung hăng đẩy mạnh các hoạt động nhằm giành quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây.
 
Trong số các động thái của Trung Quốc khiến các nước cực kỳ lo ngại là nước này đã chiếm đóng một bãi cạn gần đảo chính của Philippines hồi năm ngoái và mới đây đã đưa một loạt tàu chiến đến khu vực cách bờ biển của Malaysia chỉ khoảng 80km trong khi cách đại lục Trung Quốc tới gần 2.000km. Những diễn biến này đã bộc lộ rõ nét nhất tham vọng liếm trọn Biển Đông của Trung Quốc.
 
Một loạt cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ đã biến các khu vực biển vốn là những ngư trường đánh cá dồi dào, giàu tài nguyên và chứa đựng nhiều tuyến đường biển chiến lược, trở thành một trong những điểm nóng quân sự đáng lo ngại nhất Châu Á.
 
Tranh chấp hàng hải và nguy cơ xung đột có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế năng động của khu vực Châu Á. Nỗi quan ngại này đã trở thành chủ đề chính trong hội nghị an ninh kéo dài 3 ngày ở Singapore.
 
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo VnMedia