Mặc dù giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bóng gió về khả năng sẽ đưa quân đội can thiệp trên bộ vào Syria nhưng về thực chất, những ý tưởng này đang vấp phải sự phản đối của giới tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ do sự mạo hiểm của nó.
Nhận định trên do chuyên gia phân tích quân sự Ismail Hakki Pekin, cựu Giám đốc Tình báo quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra khi trả lời phỏng vấn hãng Sputnik Türkiye về quan điểm của giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đối với kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.
|
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (bên trái). |
Theo Ismail Hakki Pekin, mặc dù chưa có bất cứ thông tin nào về việc giới lãnh đạo quân sự Thổ Nhĩ Kỳ không đồng thuận với các kế hoạch “điên rồ” của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về khả năng đưa bộ binh can thiệp vào tình hình Syria nhưng giới tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ đang phản đối mạnh mẽ khả năng này.
Nguyên nhân là do theo các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ, nếu quân đội nước này can thiệp quân sự trên bộ vào Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, không thể sửa chữa được.
“Tôi tin rằng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không hề có tham vọng đối với Syria như những gì lãnh đạo chính trị tham vọng. Rõ ràng họ phải chịu trách nhiệm thực hiện các mệnh lệnh được ban ra nhưng tôi có thể hoàn toàn tự tin để nói rằng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ ủng hộ ý tưởng tiến hành chiến dịch quân sự chống lại quốc gia láng giềng Syria”- Ismail Hakki Pekin nhận định.
Theo cựu Giám đốc tình báo quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù thế giới bên ngoài nhìn nhận rằng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn ủng hộ chính sách của giới lãnh đạo chính trị trong quan hệ với Syria nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Trên thực tế có sự phản đối chính sách trên hay không? Chắc chắn là có. Điều đó là do giới lãnh đạo quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không giải quyết được vấn đề.
Ngược lại, hành động này có thể là nguyên nhân làm nảy sinh thêm sự bất ổn kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn trong khu vực.
Trên thực tế, các lợi ích của Ankara nằm ở việc phải củng cố sự lãnh đạo của chính quyền Syria hiện nay, giúp họ củng cố vị thế ở đất nước Syria, thiết lập sự kiểm soát và an ninh một cách hiệu quả ở khu vực biên giới.
Chính các yếu tố này mới có thể giúp Ankara bảo vệ an ninh quốc gia của mình. Tôi tin tưởng rằng ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những đề xuất riêng và thảo luận cụ thể với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.
Tất cả đều hiểu rằng thay cho việc tham gia vào một cuộc chiến kéo dài, tốn kém và vô ích, việc củng cố chế độ ở Syria và đẩy lùi các hành động quân sự ra xa khu vực biên giới sẽ có lợi hơn nhiều”- Ismail Hakki Pekin đánh giá.
Theo Ismail Hakki Pekin, việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào các khu vực gần biên giới như Arfin hay Aazaz sẽ đem lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
“Kể cả việc chớm đưa quân đội vào Syria cũng sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đối đầu với Quân đội Nga. Thậm chí ngay cả bất cứ chiến dịch quân sự nào ở quy mô nhỏ cũng sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào ngõ cụt.
Tuy nhiên, hiện có những dấu hiệu cho thấy công tác chuẩn bị cho chiến dịch này vẫn đang được tiến hành, ví dụ như các biện pháp đảm bảo an ninh trong nước đang được thắt chặt và các quy tắc phản ứng đối với các mối đe dọa từ bên ngoài đang được lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi.
Tôi nghĩ rằng nếu như giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định thực hiện bước đi này và can thiệp vào Syria thì sẽ phải gánh chịu những hậu quả không thể khắc phục được”- cựu Giám đốc Tình báo quân sự Thổ Nhĩ Kỳ kết luận.
Liệu Tổng thống Erdogan có bất chấp các lời khuyên của giới quân sự?
Theo giới phân tích quốc tế, cho dù được giới quân sự cảnh báo về những hậu quả nặng nề nếu đưa quân bộ binh vào Syria nhưng với bản tính của ông Erdogan, không gì là không thể.
Hơn nữa, hiện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đẩy vào “thế bí” khi các lực lượng Quân đội Chính phủ Syria, dưới sự yểm trợ của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, đang giành những thắng lợi hết sức quan trọng, dần giành những vị trí trọng yếu từ tay lực lượng IS và phe đối lập.
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. |
Trong khi đó, ở miền Bắc Syria, các lực lượng người Kurd đang kiểm soát gần như toàn bộ khu vực miền Bắc Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó cắt đứt đáng kể các nguồn “giao thương” giữa lực lượng IS với phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Những diễn biến này đang thực sự đe dọa đến tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc lật đổ chế độ Tổng thống Syria Al-Assad, bước tiến được coi là cần thiết ban đều để Recep Tayyip Erdogan thực hiện tham vọng khôi phục “Đế chế Ottoman” hùng mạnh thưở xưa.
Chính vì vậy, lời khuyên của giới chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ chưa có cơ sở gì để đảm bảo rằng ông Erdogan sẽ không thực hiện kế hoạch đầy tham vọng của mình.
Bản tin nói về lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 Nga làm nhiệm vụ đánh IS ở Syria (Nguồn video Huffingtonpost):
Theo Infonet