Điều gì đang làm Bắc Kinh tức giận?
Đó là việc Mỹ điều khu trục hạm USS Stethem đi sát đảo Tri Tôn, trong vùng 12 hải lý, thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam trong năm 1974) . Hành động này thể hiện việc Mỹ không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/07 tố cáo đó là một hành động khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và quân sự. Đây là lần thứ hai, kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, Mỹ đã cho tầu chiến đi vào vùng biển đang có tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố có chủ quyền.
Cội nguồn của việc Mỹ thay đổi thái độ phũ phàng với Trung Quốc?
Hồi tháng Tư, Donald Trump đã nồng nhiệt đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Florida. Chủ tịch Trung Quốc trở thành người bạn tuyệt vời, vì lúc đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cần Bắc Kinh gây sức ép với CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Trung Quốc sức ép thực sự với CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân. Ảnh: NDTV.com |
Thế nhưng, trong thời gian qua, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phóng thử tên lửa và tổng thống Mỹ không còn kiên nhẫn nữa. Tuần trước, Donald Trump cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả và Bắc Kinh không muốn bỏ rơi Bình Nhưỡng. Và ngay sau đó, chủ nhân Nhà Trắng tiến hành tấn công ngoại giao, kể cả trong các vấn đề nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc.
Mỹ đang tấn công Trung Quốc trên những vấn đề gì?
Trước tiên, trong vấn đề nhân quyền. Ngày 28/6, Mỹ đã xếp Trung Quốc trong danh sách đen về tệ nạn buôn người, ngang hàng với Syria, Triều Tiên. Đối với Bắc Kinh, những nhận định này của Washington là "vô trách nhiệm".
Sang ngày 29/6, Hoa Kỳ lại bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do báo chí tại Hong Kong vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đây để kỷ niệm 20 năm ngày vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc.
Nghiêm trọng hơn, ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép bán 1,3 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan. Và cuối cùng, Washington thông báo trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc vì có những giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên.
Như vậy, thời kỳ trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc đã chấm dứt và theo lời Robert Daly, giám đốc Học viện Kissinger tại Washington, được La Croix trích dẫn thì Mỹ quay trở lại chính sách truyền thống chống Trung Quốc, nhưng chính sách này giờ đây bất ổn một cách nguy hiểm.
Theo báo Pháp, Trung Quốc và Mỹ đối lập với nhau trên nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ít có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn nghiêm trọng giữa hai nước vì Bắc Kinh và Washington đều phụ thuộc vào nhau trong lĩnh vực kinh tế.
Minh Châu (BT)