Trung Quốc tuyên bố, 6 nghi phạm vừa bị bắt tham gia kích động vụ bạo loạn khiến 16 người thiệt mạng ở gần thành phố Kashgar thuộc khu vực Tân Cương xa xôi hôm 17/12. Trong số 16 người thiệt mạng, có 2 cảnh sát. 14 người còn lại bị cảnh sát bắn chết.
|
Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong một vụ biểu tình phản đối năm 2009.
|
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, sự cố ở Tân Cương là “cuộc tấn công khủng bố bạo lực có tổ chức và được chuẩn bị trước”.
“Các băng đảng nhiều lần tập hợp, kích động bạo lực và các tư tưởng tôn giáo cực đoan, sản xuất súng cũng như các thiết bị nổ, tiến hành các vụ nổ thử nghiệm đồng thời lên kế hoạch tấn công khủng bố bạo lực”, chính quyền Tân Cương ra tuyên bố.
Trước đó, Bắc Kinh cáo buộc, một số vụ bạo lực ở Tân Cương bắt nguồn từ các âm mưu thánh chiến của các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan, có tư tưởng ly khai.
Bộ ngoại giao Trung Quốc không trực tiếp đề cập đến nghi phạm của cuộc bạo loạn là các chiến binh Hồi giáo cực đoan nhưng tuyên bố, “một băng đảng khủng bố bạo lực” đã tấn công “cảnh sát” bằng chất nổ. Song theo một số nhà vận động người Duy Ngô Nhĩ, cảnh sát đã đột kích vào ngôi nhà nơi các thành viên người dân tộc thiểu số Ngô Duy Nhĩ đang tụ họp và nổ súng trước.
Chính quyền Tân Cương cho biết, “băng đảng khủng bố” này bao gồm 20 thành viên được thành lập vào tháng 8 và được một người tên là Hesen Ismail cầm đầu.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đăng bài xã luận mạnh mẽ kêu gọi, Chủ tịch Tập Cận Bình phải tìm cách “xoa dịu các dân tộc thiểu số” ở khu vực Tân Cương bất ổn.
Bài xã luận mang tính hòa giải được xem là bất thường này của Hoàn Cầu thời báo (vốn là nơi chuyên thể hiện các quan điểm dân tộc chủ nghĩa) kêu gọi các nhà chức trách phải tuyển mộ thêm cảnh sát người Duy Ngô Nhĩ và khuyến khích du lịch địa phương.
Theo báo này, chính quyền cần khiến tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tin rằng: “Họ là những thành viên tích cực, đáng tin cậy trong xã hội Trung Quốc”.
“Chiến thắng trái tim của người dân trong khu vực nhạy cảm có ý nghĩa quyết định. Toàn bộ đất nước nên cùng nhau nỗ lực hết sức để xóa bỏ sự xa lánh, ghẻ lạnh, phân biệt” giữa người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và người Hán chiếm đại đa số trong cộng đồng.
Hoàn Cầu thời báo cảnh báo, các vụ bạo loạn như vậy đang “trở nên bình thường hóa” và “khả năng mua chuộc lòng dân của các lực lượng cực đoan đã cải thiện hơn rất nhiều".
“Chúng ta nên cảnh tỉnh cho mọi người dân Tân Cương về tác hại của sự xa lánh và rằng, các lực lượng cực đoan đang xâm phạm, cướp đoạt quyền lợi của người Duy Ngô Nhĩ”, Hoàn Cầu thời báo nhấn mạnh.
Sự cố bạo loạn ở Tân Cương diễn ra chưa đầy 2 tháng sau vụ tấn công khủng bố chết người táo tợn ở Quảng trường Thiên An Môn do 3 nghi can khủng bố người Duy Ngô Nhĩ gây nên.
Khu vực phía tây rộng lớn của Trung Quốc (Tân Cương) vốn chìm trong tình trạng bất ổn từ lâu. Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc, Bắc Kinh đàn áp văn hóa, tôn giáo của người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Bạch Dương (theo SCMP, Reuters)