Chuyên gia chính sách hạt nhân Zhao Tong của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua cho biết: "Tất cả các tên lửa mà Bình Nhưỡng tiết lộ đều có dấu vết của một số mô hình tên lửa cũ của Nga mà Triều Tiên đã mua cách đây nhiều thập kỷ”. Theo ông, tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 mới nhất, được thử nghiệm vào ngày 4 tháng 7 với tầm bắn ước tính hơn 6.000 km, cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
|
Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. (Nguồn: The New York Times) |
Chuyên gia Zhao cho biết động cơ phản lực chạy bằng nhiên liệu lỏng của tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14, cũng như của Haskong-12 (có tầm bắn 3.700km), đều có nguồn gốc từ tên lửa R-27 Zyb của Liên Xô cũ. So với tên lửa Hwasong-12, tên lửa ICBM Hwasong-14 chỉ bổ sung động cơ giai đoạn 2. Ông cho biết thêm một biến thể của động cơ Isayev 4D10 cũng được sử dụng trong tên lửa Musudan có tầm bắn 2.500km (tên chính thức là Hwasong-10).
Có tin nói, Bình Nhưỡng đã bắt đầu sở hữu công nghệ R-27 vào năm 1992. Sự hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ đã cung cấp cho Chủ tịch Kim Il-sung (ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) một tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) R-27 Zyb, một loại SLBM có khả năng mang trọng tải 650kg, kể cả đầu đạn hạt nhân, và có tầm bắn 2.400 km.
Chuyên gia về Triều Tiên Sun Xingjie của Đại học Cát Lâm nói rằng ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, CHDCND Triều Tiên đã coi vũ khí hạt nhân là ưu tiên chiến lược và đã nhận được sự trợ giúp đáng kể từ Liên Xô (và Nga sau này).
Theo nhà phân tích Zhao Tong, Liên Xô đã đào tạo các chuyên gia tên lửa-hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên, cung cấp cố vấn chuyên môn và thậm chí cả một số bản thiết kế. Tên lửa đầu tiên mà CHDCND Triều Tiên chế tạo hồi những năm 1970 dựa theo mẫu tên lửa Scud của Liên Xô. Sau đó, Bình Nhưỡng tiếp tục chế tạo các mẫu tên lửa Rodong và Taepodong.
Nhiều thế hệ chuyên gia kỹ thuật tài năng của CHDCND Triều Tiên đã được gửi đến học tại các cơ sở nghiên cứu hạt nhân và tên lửa của Liên Xô như Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dubna nổi tiếng. Sau đó các chuyên gia này đã trở thành nòng cốt của chương trình tên lửa-hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Học giả Andrei Chang, người sáng lập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense, cho biết lý do chính đằng sau sự tiến bộ nhanh của Bình Nhưỡng về tên lửa-hạt nhân là các chuyên gia Triều Tiên không chỉ có học lực xuất sắc mà còn có thói quen "làm việc cần cù chịu khó”. Bình Nhưỡng cũng đã thuê một số chuyên gia Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.
Sự tiến bộ đáng chú ý gần đây của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực tên lửa cũng bao gồm các vụ thử nghiệm thành công của Pukguksong-1 và 2, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hơn tiên tiến hơn so với R-27 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng.
|
Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-1. (Nguồn: UPI.com) |
Có tin đồn rằng Pukguksong-1, một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), có thể đã được phát triển với sự trợ giúp của SLBM Trung Quốc. Tuy nhiên, hình ảnh về Pukguksong-1 cho thấy những mẫu thiết kế này cũng có nét tương đồng với R-27.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping nói: "Không có sự tương đồng đáng kể với các mô hình Trung Quốc có thể được tìm thấy trong tên lửa Triều Tiên. Đơn giản là vì Trung Quốc không bao giờ muốn Bắc Triều Tiên phát triển và sở hữu tên lửa tiên tiến". Ông nói thêm các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phản đối sự cấm đoán của Bắc Kinh. Bất chấp các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt, Triều Tiên vẫn quyết tâm trở thành "một cường quốc sở hữu tên lửa đạn đạo hàng đầu ở châu Á".
Có tin nói, CHDCND Triều Tiên cũng đã trao đổi công nghệ tên lửa với Iran và giúp Tehran phát triển các loại tên lửa. Các tên lửa Hwasong và Shahab của Iran có nhiều nét tương đồng. Một số công nghệ R-27 đã được phát hiện trên tên lửa Safir và Simorgh của Iran.
Những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học Triều Tiên đã làm cho Hwasong-14 có khả năng bắn tới các tiểu bang Alaska và Hawaii của Mỹ. Việc Bình Nhưỡng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào loại tên lửa liên lục địa này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Học giả Andrei Chang cảnh báo: "Triều Tiên đang tiến gần đến việc thực hiện điều này (thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào các tên lửa ICBM, SLBM) dựa trên tiến bộ hiện tại và khả năng sẵn có".
Minh Châu (Theo South China Morning Post)