Cách tiếp cận mới của Trung Quốc về Nhật Bản
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ lo ngại của nước này về động thái dỡ bỏ lệnh cấm thực thi
quyền phòng vệ tập thể của nội các Nhật Bản. Ông Hồng cho rằng, trong bối cảnh Nhật Bản “khuấy động các vấn đề lịch sử” và nới lỏng việc xây dựng lực lượng vũ trang, “dư luận không khỏi đặt câu hỏi liệu Nhật Bản đang rời xa con đường phát triển hòa bình mà nước này theo đuổi thời kì hậu Chiến tranh thế giới 2”. Ông Hồng cũng cảnh báo Nhật Bản “không được làm tổn hại tới các lợi ích về chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.
|
Ngày 1/7 trong buổi họp báo ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trả lời các câu hỏi liên quan tới quyết định dỡ bỏ lệnh cấm thi hành quyền tự vệ tập thể.
|
Tuy nhiên, sau khi đưa ra tuyên bố trên, Trung Quốc lại tập trung vào những tiếng bất đồng trong nội bộ nước Nhật. Phát ngôn viên Hồng Lỗi nhắc nhở rằng: “Trong nội bộ dư luận Nhật Bản, có những tiếng nói phản đối mạnh mẽ việc dỡ bỏ lệnh cấm thi hành quyền tự vệ tập thể” và đưa ra kết luận: “Chính dư luận nước này mới có quyền quyết định cuối cùng đối với tương lai của Nhật Bản”.
Truyền thông Trung Quốc cũng “hùa theo” phong trào phản đối từ chính nội bộ Nhật Bản.
Tân Hoa Xã (THX) có bài bình luận nghị quyết dự thảo dỡ bỏ lệnh cấm thực thi quyền phòng vệ tập thể “không phải là sự lựa chọn có tính thuyết phục và thuộc về người dân Nhật Bản mà chỉ là quyết định cho Thủ tướng
Shinzo Abe và liên minh cầm quyền của ông ta”. Bài báo này còn đưa ra dẫn chứng về kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy hơn một nửa người dân Nhật Bản phản đối nước này xây dựng quân đội và nhiều cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức, thậm chí có người đã tự thiêu ở Tokyo, để phản đối động thái này.
Ngoài ra, tờ Trung Quốc nhật báo cũng tập trung khai thác sự phản đối của dư luận đối với sự kiện được cho là bước ngoặt lớn về chính sách an ninh của Nhật Bản.
Ngoài việc khai thác sự bất mãn của dư luận Nhật Bản, báo giới Trung Quốc cũng không bỏ qua cho ông Abe. Lập luận mà các tờ báo này đưa ra đó là, ông Abe không đạt mục đích không phải thông qua con đường sửa đổi Hiến pháp chính thức mà bằng cách đơn phương diễn giải lại Hiến pháp. Nhiều bài báo Trung Quốc cảnh báo rằng, các chiến thuật của ông Abe là mối đe dọa lớn không chỉ tới an ninh khu vực mà còn cả nền chính trị dựa theo pháp quyền của Nhật Bản.
Bài báo trên Tân Hoa Xã nhận định, quyết định theo đuổi xây dựng quân đội của liên minh đảng cầm quyền Nhật Bản là “sự phản đối trắng trợn chủ nghĩa hòa bình mà Hiến pháp Nhật Bản theo đuổi”. Bài báo này cũng cho rằng, vụ việc trên đã “khiến dư luận Nhật Bản mở mắt bừng tỉnh và lo ngại”.
Bài báo này nhận định tiếp, ông Abe đã “quyết định phớt lờ tiếng nói của nhân dân” và dùng một “mánh khóe xảo quyệt” nhằm nới lỏng lệnh cấm xây dựng quân đội. Sau đó, bài báo kêu gọi “nhân dân Nhật Bản và cộng đồng quốc tế” ngăn cản ông Abe “phá hoại đặc trưng dân tộc của Nhật Bản”.
Trong khi đó, một bài báo khác đăng tải trên Tân Hoa Xã trích dẫn lời các nhà phân tích chính trị và an ninh chỉ ra, ông Abe đã thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc để lôi kéo dư luận ủng hộ chính sách thay đổi mạnh mẽ của ông đối với các lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Tuy nhiên, bài báo này cho rằng người dân Nhật Bản ngày càng hiểu rõ những mánh khóe của ông Abe.
|
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
|
Phản ứng của Trung Quốc trước việc Tokyo nới lỏng lệnh cấm xây dựng quân đội cho thấy Bắc Kinh đang thực thi chính sách tập trung vào Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe vẫn luôn bị Trung Quốc chỉ trích với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, gần đây chính quyền Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn và phân biệt rạch ròi một bên là ông Abe và bên kia là Nhật Bản. Theo “công thức” đó, các quan chức Trung Quốc có thể chia tách các luận điệu chống Nhật Bản. Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh sẽ tiếp tục lạnh nhạt với chính quyền Abe tuy nhiên vẫn duy trì mối quan hệ với Nhật Bản nói chung. Điều đó giúp Trung Quốc có thể “xoay xở” tốt hơn. Khi mà nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe kết thúc, Bắc Kinh sẽ xây dựng mối quan hệ tích cực với Tokyo.
Kế sách “vừa đấm vừa xoa”
Trên thực tế, truyền thông Trung Quốc đã đi theo đúng công thức này để đáp trả quyết định xây dựng các lực lượng phòng vệ tập thể của Nhật Bản.
Điều bất ngờ là báo chí Trung Quốc không “đả động” gì tới những tác động tiêu cực của động thái này đối với Trung Quốc. Thay vào đó, các bài báo đi vào bình luận rằng, việc diễn giải lại Hiến pháp là một đòn giáng vào những người có tư tưởng ôn hòa ở Nhật Bản, lực lượng chiếm đa số ở nước này. Theo lăng kính đó, ông Abe không phải là kẻ thù của Trung Quốc là kẻ thù của chính nước Nhật. Trên tờ The Diplomat, tác giả Shannon Tiezzi gọi chiến lược này của Trung Quốc đối với Nhật Bản là kế “vừa đấm vừa xoa”.
Một mặt, Trung Quốc thể hiện sự phản đối mạnh mẽ và gọi chính quyền Abe là kẻ gây rắc rối trong khu vực. Mặt khác, Trung Quốc lại tỏ ra sẵn lòng hợp tác với các chính trị gia hay các doanh nghiệp Nhật Bản được coi là thân thiện với Trung Quốc. Càng ngày, Trung Quốc càng tỏ ra “săn đón” những ai đối lập với ông Abe – đặc biệt là những người Nhật Bản ủng hộ chủ nghĩa hòa bình và pháp quyền có quan điểm phản đối nước này diễn giải lại Hiến pháp về vấn đề quân đội.
Trung Quốc đang tìm cách gạt bỏ ông Abe và tiếp cận trực tiếp tới đa số người dân Nhật Bản. Đây là “lá bài” khó chơi bởi lẽ các cuộc khảo sát cho thấy, hơn 90% người dân Nhật Bản có cái nhìn không tốt về Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể ngăn cản Bắc Kinh sử dụng “lá bài” này.
Tùng Lâm