Trong một bài viết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 29/8, nhà phân tích Bill Gertz đặt vấn đề: Liệu Trung Quốc có vô can trong hai vụ đụng tàu khu trục Mỹ với tàu chở hàng ở Tây Thái Bình Dương?
|
Tàu khu trục tên lửa USS John S McCain bị tàu chở dầu đâm móp sườn ở vùng biển gần Singapore. Ảnh: Al Jazeera. |
Theo nhà phân tích Bill Gertz, Quân đội Trung Quốc hiện sở hữu các phương tiện chiến tranh điện tử tiên tiến có khả năng vô hiệu hóa các tàu chiến, máy bay và tên lửa đối phương. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang chuẩn bị các cuộc tấn công điện tử trong cuộc xung đột tương lai với Mỹ.
Theo các chuyên gia quân sự, hai vụ va chạm gần đây giữa các tàu chiến của Hải quân Mỹ và các tàu thương mại đã làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Trung Quốc có thể đứng đằng sau các vụ tai nạn này, sử dụng các phương tiện điện tử để phá hoại hoặc đánh lừa hệ thống radar hoặc hệ thống dẫn đường để cố tình tạo ra các vụ va chạm trên biển.
Trung Quốc đã phát triển vũ khí chiến tranh điện tử tiên tiến nhất thế giới - bao gồm thiết bị gây nhiễu, phá hoại và các công cụ không gian mạng có thể khiến cho hệ thống điện tử của đối phương bị trục trặc hoặc hoạt động theo cách tự diệt vong.
Trong số các hệ thống chiến tranh điện tử nói trên có máy bay gây nhiễu điện tử Y-8 và máy bay không người lái có khả năng làm tê liệt, kiểm soát và làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc của đối phương.
Báo cáo năm 2011 của một viện nghiên cứu trực thuộc Công ty Khoa học và Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã đề xuất "hệ thống phòng thủ chống Aegis" để đối phó với các tàu chiến hiện đại của Hải quân Mỹ. Hầu hết các tàu chiến mang tên lửa và chống tên lửa của Hải quân Mỹ - trong đó có các tàu chiến USS John S. McCain và USS Fitzgerald - đều là những tàu chiến lớp Aegis.
Báo cáo nói trên đề xuất sự kết hợp việc sử dụng một số lượng lớn các tên lửa siêu âm cơ động cùng với các phương tiện chiến tranh điện tử để tấn công tàu chiến Aegis được trang bị hệ thống phòng thủ điện tử mạnh mẽ.
Báo cáo kết luận: "Hệ thống Aegis tích hợp nhiều loại vũ khí tiên tiến với nhiều khả năng tác chiến khác nhau như phòng không, chống tên lửa, chiến tranh điện tử và các biện pháp kết hợp cả công lẫn thủ. Thế nhưng, xét theo góc độ thực tế, không một hệ thống phòng thủ nào là bất khả xâm nhập”.
Liên quan đến hai vụ va chạm tàu chiến Mỹ với tàu chở hàng gần đây, các quan chức Hải quân Mỹ không loại trừ khả năng thiết bị điện tử của hai tàu khu trục USS John S. McCain và USS Fitzgerald đã bị tin tặc tấn công.
Đô đốc John Richardson, phụ trách tác chiến của Hải quân Mỹ, nói rằng các nhà điều tra hai vụ va chạm tàu chiến gần đây cũng sẽ kiểm tra xem liệu các cơ chế bảo vệ điện tử có bị gián đoạn hoặc bị đánh lừa hay không.
Cả hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ đều đâm vào mạn tàu. Tàu USS John S. McCain đã bị một tàu chở dầu đâm móp sườn vào ngày 21 tháng 8 ở Eo biển Malacca, một tuyến vận tải nhộn nhịp gần Singapore. Tàu USS Fitzgerald thì bị một tàu container đâm phải trong vùng biển gần Nhật Bản vào ngày 21 tháng 6. Tổng cộng có 17 thuỷ thủ chết vì tai nạn và Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ đã bị sa thải do những vụ tai nạn này và hai tai nạn trước đó.
Nhiều nghi ngờ đã nổi lên trong trường hợp tàu khu trục USS Fitzgerald, dựa trên những dấu hiệu cho thấy chiếc tàu chở hàng đâm vào nó đang được điều khiển bằng hệ thống lái tự động. Một báo cáo sơ bộ của Hải quân Mỹ công bố ngày 11/8/2017 đã không giải thích về nguyên nhân gây tai nạn.
Việc cả radar trên tàu và nhân viên quan sát trực chiến trên boong đều không kịp thời phát hiện tàu chở hàng để tránh va chạm làm gia tăng nghi ngờ hệ thống điện tử trên tàu khu trục USS Fitzgerald đã bị can thiệp. Một lý giả thuyết khác cho rằng hệ thống lái tự động của tàu chở hàng đã bị tin tặc khống chế và lái con tàu này đâm vào tàu chiến Mỹ.
Tương tự, trong vụ tàu khu trục USS John S. McCain bị tàu chở dầu đâm bẹp sườn, thủy thủ đoàn đã sử dụng một số loại radar và nhân viên quan sát trên boong làm việc 24/24 giờ.
Sự nghi ngờ trong vụ USS S. McCain đã tăng lên, vì tàu khu trục tên lửa này đã tham gia hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Đá Vành Khăn mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong Quần đảo Trường Sa.
Theo nhà phân tích Bill Gertz, nghi ngờ của các nhà điều tra hải quân về sự can thiệp điện tử của Trung Quốc trong vụ va chạm của tàu khu trục USS John S. McCain là có cơ sở, khi một tàu Trung Quốc đã bám gần tàu khu trục này ngay trước khi vụ va chạm với tàu chở dầu xảy ra. Các dữ liệu theo dõi hàng hải thương mại được sử dụng để giám sát các hoạt động của tàu thuyền quốc tế cho thấy rằng tàu Trung Quốc đã bám sát hành trình của tàu khu trục USS John S McCain và rút lui không lâu trước khi xảy ra vụ va chạm.
Minh Châu (Theo Asia Times)