|
Một giàn khoan dầu trên biển.
|
Cách đây hơn 30 năm, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng đưa ra phương châm “gác tranh chấp, cùng khai thác” để xử lý các tranh chấp chủ quyền với các láng giềng. Mới đây, quan điểm này đã được Bắc Kinh lặp lại và được ngành ngoại giao cũng như giới truyền thông Trung Quốc đồng loạt tung hô.
Kế sách tình thế trong chiến lược độc chiếm Biển Đông
Theo RFI, thoạt nghe, quan điểm của Trung Quốc có vẻ rất xuôi tai vì Bắc Kinh cho biết là họ sẵn sàng đưa vào diện “cùng khai thác” những vùng biển mà Trung Quốc có chủ quyền. Vấn đề ở chỗ là Trung Quốc lại khẳng định chủ quyền ngay cả tại những vùng biển thuộc về nước khác theo luật lệ quốc tế và luôn luôn tuyên bố không khi nào từ bỏ chủ quyền.
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại phương châm này. Theo Tân Hoa Xã, nhân một hội nghị của Bộ Chính Trị ĐCSTrung Quốc (31/7/2013), ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Bắc Kinh “sẽ tuân thủ chính sách gác tranh chấp và thực hiện phát triển chung trong các khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền”.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng áp đặt các yêu sách chủ quyền trên cả Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông, tuyên bố của ông Tập Cận Bình có thể được xem là thể hiện một sự chuyển đổi chính sách sang một hướng ôn hòa hơn.
Theo một số nhà phân tích, có lẽ Trung Quốc muốn xoa dịu các láng giềng vì lẽ các hành động cứng rắn của Bắc Kinh, đặc biệt trên Biển Đông, đã ngày càng xô đẩy các nước nhỏ trong vùng xích lại gần Mỹ …nhằm giải tỏa áp lực từ cường quốc phương Bắc.
Tuy nhiên, nếu xem kỹ phát biểu của TBT Tập Cận Bình với các thành viên Bộ Chính trị, thì rõ ràng chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” chỉ là một sách lược tình thế trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thâu tóm toàn bộ Biển Đông.
Bên cạnh lời lẽ đầy tính chất ôn hòa như “sử dụng biện pháp hòa bình và đàm phán để giải quyết tranh chấp và phấn đấu để bảo vệ hòa bình và ổn định”, ông Tập Cận Bình vẫn xác định rằng Trung Quốc sẽ “không bao giờ từ bỏ quyền lợi chính đáng, cũng như các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình”.
Phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh hô hào các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ngoài Biển Đông tạm gác tranh chấp để cùng nhau khai thác các nguồn lợi kinh tế trong khu vực.
“Cùng khai thác”, nhưng vấn đề là khai thác ở đâu?
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia (Đại học New South Wales), đã ghi nhận rằng vấn đề “cùng khai thác” là một bài toán nan giải. Ông nói: “Vấn đề hợp tác cùng nhau khai thác đã được đề xuất từ lâu. Điều này chỉ có thể xúc tiến, nếu cả hai bên đồng ý…cùng nhau khai thác phát triển không làm phương hại đến các tuyên bố chủ quyền của mỗi bên”.
Theo giáo sư Carlyle Thayer, bốn quốc gia ASEAN đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc (Việt Nam, Philippines cho đến Malaysia, Brunei) đều đồng ý trên nguyên tắc về khả năng cùng khai thác. Vấn đề cốt lõi là khai thác chỗ nào? Ông nói: “Câu hỏi thiết yếu liên quan đến việc đồng phát triển là nơi được chọn để khai thác. Kế hoạch đồng khảo sát địa chấn ngoài biển JMSU ban đầu giữa Philippines và Trung Quốc lại được thực hiện trong vùng biển của Philippines (2005 - 2008). Các nước tranh chấp rất lo ngại trước nguy cơ sự phát triển chung củng cố thêm yêu sách chủ quyền của Trung Quốc…”
Vấn đề đồng khai thác ở đâu cũng là điều được Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia tại trường Đại học Maine (Mỹ), khẳng định rằng không thể chấp nhận việc đồng khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của nước khác, vốn dĩ không phải là vùng tranh chấp. Tuy nhiên, nếu đó là vùng chồng lấn giữa thềm lục địa hai bên, việc “cùng khai thác” hoàn toàn có thể, như những gì Việt Nam và Trung Quốc đã làm tại Vịnh Bắc Bộ.
Ông nói: “Malaysia không có quyền nói là những vùng EEZ của nước khác bị Trung Quốc đưa ra cái “đường lưỡi bò” để chiếm, rồi nói là vùng này là của họ, rồi hai bên cùng khai thác…”
Văn Bình