Đó là câu hỏi mà chuyên gia Peter Apps đặt ra, trong một bài phân tích được Reuters đăng tải trong chuyên mục bình luận.
Một số chuyên gia quân sự dự đoán rằng trong vòng hơn một thập kỷ, Hải quân Trung Quốc sẽ có số tàu chiến nhiều hơn Hải quân Mỹ. Việc Trung Quốc ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự là một phần của chiến lược thống trị các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực có ý nghĩa chiến lược này.
|
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc lần đầu tiên tập trận xa bờ trên Biển Đông. Ảnh Global Military Review |
Duy trì sự thống trị quân sự toàn cầu của Mỹ là trọng tâm kế hoạch nâng chi tiêu quân sự thêm 54 tỷ USD, tương đương với mức tăng khoảng 9%. Thế nhưng điều đó cũng không đủ duy trì ưu thế trong khu vực của Washington. Trong vòng hai thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc luôn tăng ở mức hai con số mỗi năm. Quan trọng hơn, Bắc Kinh đã áp dụng một loạt chiến thuật mà Mỹ chưa có cách đối phó một cách thực sự hiệu quả.
Trong khi cách tiếp cận Châu Á của Washington luôn tập trung vào khả năng đưa nhóm tác chiến tàu sân bay vào “sân sau của Trung Quốc”, Bắc Kinh đã làm mọi thứ có thể để làm nghiêng cán cân chiến lược chống lại mọi kẻ thù tiềm năng. Chiến lược này bao gồm việc trang bị các hệ thống vũ khí mới, tăng cường sức mạnh hải quân, xây dựng căn cứ hải quân, các nhà máy điện và quân sự hóa các “đảo nhân tạo” mà nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Một số quan chức quân sự Mỹ - đương nhiệm và đã về hưu - cho rằng vấn đề ở chỗ là “khi nào”, chứ không phải “nếu”, xảy ra một cuộc xung đột khu vực.
Trong năm 1995, khi quân đội Trung Quốc phóng nhiều tên lửa và tiến hành tập trận xung quanh Đài Loan mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đáp trả bằng cách đưa hai tàu sân bay đến tuần tra vùng biển giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Đây là một động thái quân sự mà Bắc Kinh khi đó không thể làm gì để ngăn chặn mà không gây ra một cuộc chiến tranh với Mỹ và Trung Quốc sẽ không giành chiến thắng.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã tập trung vào việc ngăn chặn các lực lượng Mỹ - đặc biệt là các tàu sân bay – tiến vào khu vực tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh hiện có trong tay các loại vũ khí hiện đại ( tàu ngầm, tên lửa và máy bay tấn công) khiến cho các nhà hoạch định chính sách quân sự Mỹ thối chí, miễn cưỡng chấp nhận rủi ro của việc đưa tàu sân bay đến gần bờ biển của Trung Quốc một lần nữa.
Trung Quốc được cho là có hàng ngàn tên lửa đạn đạo nhằm vào đảo Đài Loan cũng như các loại vũ khí hải quân để tiêu diệt tàu chiến gần đó. Một số chuyên gia tin rằng Bắc Kinh có thể sẽ chiếm quyền kiểm soát Đài Loan trong vòng hai thập kỷ tới.
Mục tiêu trước mắt tiếp theo của Bắc Kinh dường như là tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự ở các “đảo nhân tạo” mà nước này bồi đắp trái phép ở các vùng biển đảo tranh chấp với Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Mặc dù Tòa Trọng tài quốc tế - được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển – đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách lãnh thổ phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông , Trung Quốc đã từ chối tuân thủ phán quyết này. Không những thế, Trung Quốc còn ngang nhiên tiếp tục xây dựng và mở rộng các “đảo nhân tạo”, đặc biệt là xung quanh bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh đã chiếm từ tay Philippines. Năm 2012, Trung Quốc đã chiếm cứ bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền và kể từ đó, tăng cường sự hiện diện ở trong và xunh quanh bãi cạn Scarborough.
Bắc Kinh cũng tập trung vào việc mua các loại trang thiết bị quân sự cao cấp mà Mỹ đã sử dụng để chống Trung Quốc trong quá khứ. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – một vỏ tàu sân bay của Liên Xô cũ mua lại của Ukraine - đang ngày càng phát huy hiệu quả, mặc dù được sử dụng chủ yếu phục vụ cho công tác đào tạo. Trong tháng 12/2016, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã thực hiện chuyến tuần tra xa bờ đầu tiên ở Biển Đông . Trung Quốc cũng đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên và thông báo tiếp tục đóng thêm nhiều tàu sân bay khác.
Theo một số ước tính, trong vòng 10-15 năm tới, Hải quân Trung Quốc có thể sở hữu tới 500 tàu chiến - trong đó có tới 4 tàu sân bay và 100 tàu ngầm cũng như các tàu hộ tống hiện đại, tàu tuần tra và các loại tàu quân sự khác. So sánh với kế hoạch mở rộng Hải quân Mỹ lên tới 350 tàu chiến, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về số lượng.
Trong khi tuần tra Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đã một lần nữa thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh thực tế, câu hỏi đặt ra là liệu nhóm tàu này sẽ tồn tại được bao lâu trước khi bị đánh chìm.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ rời khỏi Biển Đông vào tuần tới - mặc dù các lực lượng Mỹ khác sẽ vẫn ở lại, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường quân sự hóa vùng biển có ý nghĩa quan trọng về chiến lược này.
Minh Châu (Theo Reuters)