Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ trên Biển Đông ngay trong năm nay là nhận định của nhà phân tích Harry J. Kazianis - giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm National Interest và là Tổng biên tập của tạp chí The National Interest – trong bài viết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 1/2/2017.
|
Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay chiến đấu phản lực tiên tiến ở Biển Đông. Ảnh: DPA |
Theo nhà phân tích Kazianis, với việc ban lãnh đạo mới ở Washington đang chúi mũi vào các vấn đề đối nội, cánh cửa đang được mở không chỉ cho Trung Quốc, Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên theo đuổi các mục tiêu của họ trên thế giới và khu vực. Một số quan chức Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể thách thức chính quyền của ông Trump một cách nhanh chóng và ngay lập tức vào thời điểm hiện nay. Trong những ngày này, Trung Quốc có thể “nắn gân” tân Tổng thống Mỹ ở Biển Đông.
Do thiếu kinh nghiệm, chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đang liên tục phải xử lý hết cuộc khủng hoảng nhỏ này đến cuộc khủng hoảng nhỏ khác. Bất kể đó là tranh cãi về lễ nhậm chức tổng thống, những bình luận mới nhất được ông Trump đăng trên Twitter hay sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh gây ra làn sóng phản đối ở trong nước cũng như trên thế giới..., những vấn đề này cho thấy chính sách đối ngoại không phải là trọng tâm của chính quyền mới ở Washington.
Và mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ. Thậm chí, các cơ quan liên bang Mỹ hiện không có đủ nhân sự trung cấp để đối phó với một cuộc khủng hoảng. Nhiều vị trí quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước Mỹ đang bị bỏ trống, trong khi Hội đồng An ninh Quốc gia mới lại “gạt ra rìa” hai thành viên quan trọng nhất là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia. Đây quả là thời điểm chín muồi để các đối thủ triệt để khai thác nhược điểm của tân chính quyền Mỹ.
Vì vậy, nếu Trung Quốc quyết định hành động nhanh chóng và đặc biệt ở Biển Đông, đây sẽ là thời điểm tốt nhất.
“Cổ phần” của Trung Quốc ở Châu Á hiện lớn hơn bao giờ hết và những lời lẽ của Tổng thống Donald Trump về Đài Loan và Biển Đông táo bạo hơn nhiều so với bất kỳ chính quyền Mỹ nào mới nhậm chức...khiến cho ban lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể quyết định trả đũa Mỹ một cách nhanh chóng. Và không có cách nào tốt hơn để làm điều đó bằng thiết lập một Khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Trên thực tế, Trung Quốc đã làm cái điều tương tự, khi đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông trong năm 2013.
Trên thực tế, Bắc Kinh hiện chưa có đủ năng lực để giám sát chặt chẽ Biển Hoa Đông và Biển Đông, nếu Washington hay Tokyo thực sự quyết định can thiệp mạnh tay. Theo các quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc, cho đến nay Trung Quốc cũng chưa ráo riết thực thi ADIZ trên Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, việc thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông cách đây bốn năm là một mốc dấu leo thang quan trọng trong cuộc đối đầu với Nhật Bản.
Trên Biển Đông, rất có thể Trung Quốc sẽ không thực thi ADIZ trên toàn bộ khu vực nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn” vô cùng phi lý và đã bị Tòa Trọng tài La Haye bác bỏ, nhưng Bắc Kinh có thể tạo ra một sự răn đe quân sự đáng kể bằng cách triển khai các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và máy bay chiến đấu phản lực tiên tiến trên một số "đảo nhân tạo” mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép trong Quần đảo Trường Sa, trong một khoảng thời gian ngắn.
Nếu Trung Quốc làm như vậy thì phản ứng của Tổng thống Donald Trump sẽ như thế nào?
Có khả năng, Tổng thống Donald Trump cũng phản ứng giống như Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama: gửi máy bay ném bom tiên tiến bay vào khu vực ngay sau khi Trung Quốc thông báo thiết lập ADIZ. Thậm chí, ông Trump còn có thể phản ứng bằng hải quân, tiến hành nhiều hoạt động bảo vệ “tự do hàng hải” để chỉ rõ rằng Washington sẽ không bao giờ chấp nhận những hành động đơn phương quyết đoán của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông, các hãng hàng không dân dụng không muốn gây nguy hiểm cho hành khách đành phải thông báo hành trình bay cho Bắc Kinh và vô hình chung lại công nhận cái ADIZ vô cùng phi lý này.
Chỉ có điều, việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông không có gì là bất ngờ vì Bắc Kinh đã nhiều lần ngỏ ý sẽ làm điều này, nếu tình hình trở nên cấp bách.
Nhà phân tích Harry J. Kazianis kết luận: Việc thiết lập ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông đã được nói đến khá nhiều và năm nay (2017) chính là thời điểm “vô cùng thuận lợi” để Bắc Kinh “biến lời nói thành hành động”.
Minh Châu (Theo Asia Times)