Theo bản tin trên CCTV ngày 18/7, các binh sĩ trang bị súng máy, bệ phóng tên lửa và súng cối đã tập tấn công vào vị trí kẻ thù vào cuối tuần qua. Một lữ đoàn đã tham gia tập trận và theo cơ cấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), một lữ đoàn có từ 4.000 đến 7.000 binh sĩ. Bản tin của CCTV cho thấy cuộc tập trận diễn ra trong 11 giờ với hàng chục tình huống giả định là một cuộc thử nghiệm về khả năng tác chiến phối hợp của quân đội Trung Quốc.
Địa điểm tập trận bắn đạn thật nằm sát khu vực tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, gần Bhutan.
|
Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên cao nguyên Tây Tạng. Ảnh: Yahoo News India |
Theo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, xung đột xảy ra từ cuối tháng 6, khi binh sĩ Ấn Độ ngăn công nhân Trung Quốc thực hiện dự án xây đường ở khu vực biên giới tranh chấp. Để trả đũa, Trung Quốc ngăn một nhóm hành hương Ấn Độ đi qua một con đèo phía Trung Quốc tới núi Kailash, một khu vực linh thiêng ở Tây Tạng dành cho tín đồ Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Ni Lexiong, một nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải, cho rằng cuộc tập trận bắn đạn thật của Quân đội Trung Quốc rất có thể liên quan đến việc buộc Ấn Độ ngồi vào bàn đàm phán. Ông nói thêm: "Các cuộc đàm phán ngoại giao cần được quân đội hậu thuẫn”.
Một nhà quan sát khác nói với báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP) ở Hong Kong rằng cuộc phô diễn sức mạnh này có thể là lời cảnh báo đối với Ấn Độ.
Nhà bình luận quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho biết: "Quân đội Trung Quốc (PLA) muốn chứng minh khả năng có thể dễ dàng đè bẹp các đối thủ Ấn Độ”.
Wang Dehua, một chuyên gia nghiên cứu về Nam Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết quy mô chuyển quân và thiết bị ở cao nguyên Tây Tạng cho thấy Trung Quốc mức độ bảo vệ đường biên giới phía tây . Ông nói: “Các hoạt động quân sự vừa qua thiên về hậu cần. Giờ đây, Trung Quốc hỗ trợ hậu cần tốt hơn cho khu vực Tây Tạng”.
Liên quan đến tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley nói rằng "đây không phải là Ấn Độ năm 1962", ông Wang nói thêm rằng "Trung Quốc cũng khác xa với năm 1962".
Ấn Độ có gần 200.000 binh sĩ đóng quân ở các khu vực tranh chấp với Trung Quốc, gấp 15 đến 20 lần quân số của lực lượng Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Zhou Chenming cho rằng Trung Quốc có lợi thế rõ ràng về tốc độ di chuyển, hỏa lực và hậu cần. Theo ông Zhou, bằng một cuộc tập trận nhỏ, Trung Quốc muốn kiểm soát vấn đề và hạn chế nguy cơ xung đột lớn hơn.
Mặc dù chiếm ưu thế quân sự trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962, những khó khăn về hậu cần kéo dài đã buộc Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn đơn phương.
Hàng ngàn tấn thiết bị đã được Quân đội Trung Quốc đưa vào cao nguyên Tây Tạng kể từ khi tranh chấp biên giới lại nổ ra với Ấn Độ.
Theo PLA Daily, phần lớn số thiết bị quân sự nói trên được Bộ Tư lệnh Chiến khu Tây vận chuyển đến một khu vực phía nam dãy núi Côn Lôn (Kunlun) ở Tây Tạng. Bộ Tư lệnh Chiến khu Tây phụ trách các khu vực ở Tân Cương, Tây Tạng và xử lý các vấn đề biên giới với Ấn Độ. Số thiết bị quân sự khổng lồ này đã được vận chuyển đến cao nguyên Tây Tạng bằng đường bộ và đường sắt.
Chuyên gia Wang Dehua cho biết hiện thời, PLA có thể "dễ dàng chuyển quân và vật tư đến tuyến đầu, nhờ vào cơ sở hạ tầng được cải thiện bao gồm đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng và các tuyến đường mới nối liền cao nguyên này với phần còn lại của Trung Quốc.
Minh Châu (Theo SCMP)