Trung Quốc sắp “ra đòn phủ đầu” ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Các cơ quan tình báo Australia và Mỹ rất quan ngại các động thái gần đây của Trung Quốc và không loại trừ việc Bắc Kinh “ra đòn phủ đầu” ở Biển Đông.

Theo nhà phân tích Carl Thayer – một chuyên gia về Biển Đông và là giáo sư giảng dạy tại Học viện Quốc phòng Australia, hai diễn biến gần đây cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị “ra đòn phủ đầu” ở Biển Đông trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, theo dơn kiện Trung Quốc của Philippines. (Phán quyết này được dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2016).
Những diễn biến nói trên bao gồm việc Trung Quốc tăng cường các hệ thống phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc đã đánh chiếm của Việt Nam) và thông tin bị rò rỉ nói rằng Trung Quốc lên kế hoạch tiến hành các hoạt động xây dựng lớn tại bãi cạn Scarborough.
Trung Quoc sap “danh don phu dau” o Bien Dong?
 Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc có tính năng tương tự như Su-27 của Nga và có tầm hoạt động 3.530 km. Ảnh wikipedia.org
Hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 7/4 cho thấy Trung Quốc đã triển khai thêm 2 chiến đấu cơ phản lực đa chức năng Shenyang J-11 và hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) trên đảo Phú Lâm. Các quan chức Lầu Năm Góc ước tính rằng Trung Quốc hiện có khoảng 10 máy bay quân sự ở đảo Phú Lâm - bao gồm chiến đấu cơ phản lực đa chức năng Shenyang J-11 và máy bay cường kích Xian JH-7. Chiến đấu cơ J-11 có tính năng tương tự như Su-27 của Nga và có tầm hoạt động 3.530 km. Còn JH-7 là một loại phản lực cơ ném bom.
Trung Quoc sap “danh don phu dau” o Bien Dong?-Hinh-2
Máy bay cường kích Xian JH-7 của Trung Quốc. Ảnh wikipedia.org
Vào tháng 2/2016, Trung Quốc triển khai 8 hệ thống tên lửa đất-đối-không HQ-9 trên đảo Phú Lâm và bốn hệ thống trong số này đang hoạt động. Tên lửa phòng không HQ-9 có tầm bắn khoảng 220 km. Hiện thời, Trung Quốc còn triển khai thêm các radar điều khiển hỏa lực AESA có thể theo dõi chính xác nhiều máy bay xung quanh đảo Phú Lâm. Hệ thống radar AESA có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc và tập hợp dữ liệu về phạm vi, độ cao, hướng bay và tốc độ của các mục tiêu để điều khiển hỏa lực cho các hệ thống tên lửa HQ-9.
Ba lý do khiến Trung Quốc “đánh đòn phủ đầu”
Có 3 lý do giải thích khả năng Trung Quốc có thể đánh đòn phủ đầu.
Thứ nhất, Trung Quốc phản ứng với Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường giữa Philippines và Hoa Kỳ. Trong tháng 3/2016, Philippines công bố danh sách bốn căn cứ không quân và một căn cứ lục quân sẽ được mở cửa cho binh sĩ, máy bay và thiết bị quân sự Mỹ. Cũng trong tháng 3/2016, Philippines và Mỹ đã bắt đầu tiến hành tuần tra hải quân chung ở Biển Đông và tuần tra không quân chung được dự kiến bắt đầu vào tháng này.
Trung Quốc rất tức giận về việc cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines mang tên Balikatan (Vai kề vai) vừa qua và chuyến thăm Philippines kèm theo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Sau khi kết thúc cuộc tập trận chung Balikatan, 6 máy bay quân sự của Mỹ (trong đó có 5 máy bay tấn công mặt đất A-10 Warthog) và 3 máy bay trực thăng sẽ vẫn ở Căn cứ không quân Clark cùng với 200 phi hành đoàn.
Thứ hai, Trung Quốc cũng có thể phản ứng với các báo cáo gần đây nói rằng đợt tuần tra mang tên “Tự do hàng hải” của Mỹ ở Biển Đông sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đợt tuần tra đầu tiên trong quần đảo Trường Sa tháng 10/2015 và ở quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/2016.
Thứ ba, Trung Quốc có khả năng phản ứng lại áp lực của G7, với một tuyên bố đặc biệt về an ninh hàng hải. Tuyên bố này có đoạn viết: “Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước bất kỳ hành động đơn phương hăm dọa, cưỡng chế hay khiêu khích có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tránh những hành động như bối đắp đất quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn, cũng như việc sử dụng chúng cho mục đích quân sự và cần hành động phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không”. Trung Quốc lên án mạnh mẽ tuyên bố của G-7.
Về dài hạn, việc Bắc Kinh triển khai các máy bay chiến đấu và radar điều khiển hỏa lực ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc có khả năng triển khai một số lượng nhỏ chiến đấu cơ phản lực hiện đại, tên lửa đất-đối-không và radar điều khiển hỏa lực ở các “đảo nhân tạo” mà nước này đã bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng muốn chứng tỏ rằng Mỹ không thể hành động nước này làm như vậy. Bắc Kinh cũng gửi một tín hiệu đến Washington rằng rủi ro sẽ tăng lên, nếu Mỹ tiếp tục tiến hành trinh sát trên không các căn cứ quân sự nhạy cảm của Trung Quốc và bay qua các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc (PLAN) ở Biển Đông.
Rò rỉ kế hoạch Trung Quốc bồi đắp, quân sự hóa bãi cạn Scarborough
Trung Quoc sap “danh don phu dau” o Bien Dong?-Hinh-3
Vị trí của bãi cạn Scarborough. Đồ họa Google earth 
Hồi tháng trước, tình báo Mỹ xác nhận rằng Trung Quốc đã gấp rút lên kế hoạch cho một giai đoạn quân sự mới liên quan đến bãi cạn Scarborough. Các phương tiện truyền thông cũng tiết lộ mối quan tâm tương tự của cơ quan tình báo và các cơ quan phân tích Australia (có lẽ là Cơ quan tình báo quốc phòng và Văn phòng đánh giá quốc gia của Australia) rằng Trung Quốc sẵn sàng có "hành động quyết định và khiêu khích" ở quần đảo Trường Sa. Một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc có thể bồi đắp bãi cạn Scarborough thành “đảo nhân tạo” khổng lồ và xây dựng trên đó căn cứ quân sự hoặc thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Nếu các báo cáo này là chính xác, Trung Quốc có khả năng để xây dựng kết cấu vĩnh cửu trên bãi cạn Scarborough Shoal và đưa nhân viên đồn trú trên đó. Trung Quốc sẽ biện minh cho hành động nói trên dưới vỏ bọc cung cấp dịch vụ hàng hóa, an toàn hàng hải và dự báo thời tiết. Bằng cách hành động nhanh chóng, Trung Quốc khiến cho Mỹ và Philippines không kịp trở tay. Điều này sẽ tạo ra tiền đề cho việc mở rộng “đảo nhân tạo” Scarborough hơn nữa trong tương lai.
Khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết bất lợi cho phía Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh có khả năng tiến hành một chiến dịch quốc tế thách thức tính hợp pháp của PCA.
Nếu Bắc Kinh biến bãi cạn Scarborough thành “đảo nhân tạo” và xây dựng trên đó sân bay và hải cảng, Trung Quốc sẽ có một căn cứ quân sự tiền đồn để ngăn chặn Philippines hoạt động trong vùng biển quần đảo Trường Sa và khi đó đảo Thị Tứ (Pag-asa) và Bãi Cỏ Mây sẽ bị uy hiếp hơn nữa.
Nếu Trung Quốc đặt radar tầm xa, radar điều khiển hỏa lực, tên lửa đất-đối-không và tên lửa hành trình chống tàu trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông (bao gồm cả bãi cạn Scarborough), Bắc Kinh sẽ ở vào một vị thế tốt hơn để theo dõi chuyển động của Hạm đội Bảy của Mỹ sử dụng Vịnh Subic.
Hải quân Mỹ và hải quân các nước khác trong khu vực sẽ gặp khá nhiều rủi ro, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở Biển Đông. Trung Quốc có thể phản ứng quyết liệt và hiệu quả hơn trước sự xâm nhập của tàu máy bay, tàu chiến nước ngoài, sau khi nước này hoàn thành việc xây dựng các sân bay, nhà chứa máy bay và các kho lưu trữ nhiên liệu được bảo vệ chu đáo.
Máy bay chiến đấu đa chức năng J-11 của Trung Quốc có thể cất cánh từ đảo Phú Lâm để tiến hành tuần tra chiến đấu. Loại máy bay này có thể kéo dài thời gian tuần tra bằng cách hạ cánh và tiếp nhiên liệu tại một sân bay được xây dựng trái phép trên một trong những hòn “đảo nhân tạo” ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã và đang xây dựng sân đỗ trực thăng trên các tính năng mà nước này chiếm đóng. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi tàu ngầm Mỹ thông qua việc triển khai các máy bay trinh sát trên không và máy bay trực thăng tác chiến chống tàu ngầm.
Giáo sư Carl Thayer kết luận: Nếu "quyết định khiêu khích" bằng cách củng cố vị thế của mình trên bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ tìm cách tạo ra một “việc đã rồi” đối với Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) vì PCA không có quyền lực thực thi phán quyết của mình. Hành động “đánh đòn phủ đầu” của Trung Quốc có khả năng sẽ làm hỏng bất kỳ hành động phối hợp nào của cộng đồng quốc tế nhằm gây áp lực ngoại giao buộc Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế bằng cách chấp nhận phán quyết của của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague. Luật pháp quốc tế sẽ bị gạt ra rìa bởi giai đoạn quân sự hóa mới nhất của Trung Quốc.
Video Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông. (Nguồn VOA): 

Minh Châu (Theo The Diplomat)