|
Tàu đổ bộ khổng lồ của Trung Quốc từng tiến sát bờ biển Malaysia.
|
Philstar dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao cáo buộc, kế hoạch Hải quân của Bắc Kinh được vạch ra năm ngoái theo sau vụ thành lập cái được gọi là thành phố Tam Sa phi pháp tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Trong khi chính phủ của chúng tôi đang cố gắng giải quyết tranh chấp hàng hải với Trung Quốc thông qua tòa án quốc tế, lực lượng Hải quân của nước này cũng ra sức thực thi kế hoạch chiếm ngày càng nhiều hơn các bãi ngầm và rạn san hộ trên Biển Đông”, quan chức an ninh giấu tên Philippines cáo buộc.
Để ngăn chặn tình trạng xâm nhập liên tục và chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc, vị quan chức Philippines đề nghị, Manila cần cân bằng cách tiếp cận ngoại giao bằng việc chỉ ra một số biện pháp phòng thủ nhưng không có tính khiêu khích, gây hấn nhằm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Trong trường hợp Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp bãi cạn Scarborough, vị quan chức an ninh Philippines nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng và các Lực lượng vũ trang cũng có thể vận dụng các chiến thuật mà Trung Quốc triển khai tại Bãi Cỏ Mây để đối phó.
“Bãi cạn Scarborough nằm trong lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi có thể triển khai tàu tới án ngữ trong khu vực, tương tự như những gì Trung Quốc đang làm tại Bãi Cỏ mây”, vị quan chức an ninh trên nói.
Với số lượng không cố định, các khinh hạm và tàu bán quân sự của Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện gần Bãi Cỏ Mây. Tương tự như bãi cạn Scarborough ngoài khơi bờ biển Zambales, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gần đảo Palawan của Philippines. Bãi Cỏ Mây hiện vẫn được bảo vệ bởi một nhóm thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên một tàu chiến Mỹ bị bỏ lại trong khu vực từ lâu.
Vị quan chức Philippines cảnh báo, việc giám sát lãnh thổ hàng hải và không phận không thể ngăn chặn tham vọng ở Biển Đông của Trung Quốc: “Chúng ta cần thực hiện một số hành động ngay như: tái triển khai tàu của chúng ta gần bãi cạn Scarborough để nhắc nhở Trung Quốc rằng, chúng ta không bao giờ từ bỏ quyền chủ quyền của chúng ta trong ngư trường dồi dào, phong phú tại Biển Đông này”.
Vị này cũng đề cập, công tác giám sát lãnh thổ gần đây phát hiện Trung Quốc đã đưa 75 khối bê tông tới bãi cạn Scarborough – dấy lên quan ngại Bắc Kinh đang bắt tay xây dựng công sự, thậm chí, căn cứ quân sự tại đây giống như những gì họ làm ở Đá Vành Khăn sau khi chiếm đóng bất hợp pháp năm 1995.
Giới phê bình nhấn mạnh, Trung Quốc có ý định củng cố tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông thông qua sức mạnh hải quân vượt trội và ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, Trung Quốc cuối tuần trước cáo buộc Philippines cố tình khuấy căng thẳng và rắc rối để làm suy yếu các tuyên bố lãnh thổ của nước này tại Biển Đông. Bắc Kinh nhấn mạnh, Manila “đang khuấy những rắc rối vớ vẩn tại vùng lãnh thổ về bản chất thuộc về Trung Quốc”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cáo buộc, chính Philippines gây ra các rắc rối trong khu vực.
Tháng này, Trung Quốc sẽ đứng ra tổ chức đàm phán với các nước ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) thay cho Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) ra đời năm 2002.
Ngoại trưởng Albert del Rosario trong một tuyên bố, gạt những cáo buộc của Trung Quốc sang một bên, nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN để xây dựng COC.
Trong khi đó, ASEAN hy vọng thuyết phục Trung Quốc đàm phán thành công nhằm nhanh chóng xây dựng COC.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo, COC không thể được thông qua một cách vội vàng vì nó liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và do đó, phải trải qua nhiều giai đoạn xây dựng mất rất nhiều thời gian và công sức.
Ông Vương nhấn mạnh, Trung Quốc rất chân thành trong việc xây dựng COC nhưng một số quốc gia đang kỳ vọng một cách phi thực tế rằng, COC có thể được thống nhất chỉ sau một đêm.
Bạch Dương (Theo Philstar)