Việc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông vừa qua là thách thức đầu tiên đối với yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh, kể từ ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Hải quân Mỹ thông báo rằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vilson bắt đầu các hoạt động thường lệ ở Biển Đông từ ngày 18/2, giữa lúc nhiều lo ngại rằng vùng biển tranh chấp này sẽ trở thành một điểm nóng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngay lập tức gọi đó là một “mối đe dọa”.
|
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vilson bắt đầu các hoạt động thường lệ ở Biển Đông từ ngày 18/2. Ảnh: Military.com |
Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết cuộc tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vilson không nhằm bảo đảm “tự do hàng hải” mà là loại hình mà Hải quân Mỹ đã và đang tiến hành từ một trăm năm qua.
Các cuộc diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vilson trên Biển Đông được tiến hành theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người từng nói rằng việc thiếu các cuộc diễn tập hải quân và không quân ở vùng biển quan trọng này đã làm xói mòn sự ổn định trong khu vực.
Các cuộc diễn tập này nhằm “thông báo” với Bắc Kinh rằng tân Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ tiếp tục chính sách của Mỹ trong việc tìm cách tăng cường sức mạnh cho các đồng minh trong khu vực vốn lo ngại trước hành động ngày càng táo tợn quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã và đang tiếp tục bồi đắp trái phép các “đảo nhân tạo” trên các rạn san hô và bãi đá ngầm mà nước này cưỡng chiếm ở Biển Đông và trong vòng 12 tháng qua đã bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự trên các hòn đảo đó.
Các nhà phân tích Mỹ cho rằng sự tích tụ quân sự của Trung Quốc trong khu vực đã được thực hiện một cách dần dần và theo cách tránh kích động một cuộc đối đầu trực tiếp với Washington.
Ví dụ, các ụ tên lửa hải quân đã được phát hiện trên một số “đảo nhân tạo” tại quần đảo Trường Sa. Các tên lửa này được đánh giá là có tầm bắn ít hơn một hải lý và do vậy không đe dọa các tàu chiến Mỹ qua lại. Thế nhưng, các nhà phân tích tình báo tại Lầu Năm Góc lưu ý rằng các ụ tên lửa được xây dựng dễ dàng chuyển mục đích sang bố trí các tên chống hạm tầm xa và qua đó sẽ đe dọa hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ.
|
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vốn là một tín đồ trung thành với chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh" của chính quyền Donald Trump. Ảnh: CNN.com |
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vốn là một tín đồ trung thành với chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh" của chính quyền Donald Trump. Vì thế, ông có thể sẽ từ bỏ chính sách tránh gây sự với Trung Quốc của chính quyền Obama. Chính sách này đã làm giảm hiệu quả của các cuộc tuần tra bảo đảm “tự do hàng hải” của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông và ở các vùng biển khác.
Trong các phiến điều trần trước Thượng viện Mỹ, viên tướng về hưu James Mattis đã nói rõ rằng hành động của phía Trung Quốc đòi hỏi Washington phải tăng cường sức mạnh cho các đồng minh ở Đông Nam Á. Tướng Mattis nói: “Hành động của Trung Quốc đã khiến cho các nước trong khu vực tìm kiếm sự lãnh đạo của Mỹ mạnh hơn. Chúng ta phải tiếp tục bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở khu vực này. Quyền lợi đó bao gồm các quyền pháp lý quốc tế duy trì tự do hàng hải và hàng không”.
Tướng Mattis nói việc duy trì tự do hàng hải là "quan trọng để bảo vệ những lợi ích an ninh quốc gia khác” và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động nào định biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
Trong chuyến công du Châu Á hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 4/2 tuyên bố rằng Mỹ chưa cần phải có những biện pháp quân sự ở Biển Đông nhằm ngăn chặn hành động khẳng định chủ quyền quyết đoán của Trung Quốc, trong khi chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.
Sau khi Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vilson đến Biển Đông, Bắc Kinh hôm 21/2 lên tiếng phản đối bất kỳ hành động nào của nước ngoài đe dọa chủ quyền của Trung Quốc, dưới chiêu bài “tuần tra tự do hàng hải”. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo Mỹ không được thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố: “Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật quốc tế. Nhưng chúng tôi luôn phản đối việc các nước liên quan đe dọa và gây tổn hại tới chủ quyền và an ninh của các nước ven biển dưới chiêu bài tự do hàng hải và hàng không”.
Minh Châu (Theo Asia Times)