Việc thu hồi một tuyên bố chung khá cứng rắn đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Vân Nam dường như đã lặp lại kịch bản đáng buồn trong năm 2012 tại Phnom Penh, khi Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung tổng kết hội nghị. Mẫu số chung trong hai sự cố này là sức ép của Trung Quốc.
Theo Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI), nếu căn cứ vào nội dung tuyên bố chung của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN được Malaysia công bố đầu tiên trước lúc bị thu hồi, thì ASEAN đã nói đến một “buổi trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị” về các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Trong ngôn từ ngoại giao, “thẳng thắn” đồng nghĩa với “gay gắt”.
Giáo sư Thayer: Nguyên do là Trung Quốc
Theo một số nhà phân tích, việc thu hồi là do có sự nhầm lẫn trong văn kiện gửi cho báo chí. Phía Indonesia cho biết một bản hướng dẫn đã được gửi đi như thể là một bản tuyên bố chung chính thức, còn theo Malaysia thì đó là một văn kiện chưa hoàn chỉnh cần phải thu hồi để chỉnh lý.
|
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông. Ảnh You Tube |
Đối với giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, cách giải thích của Indonesia rằng văn kiện đó chỉ là môt bản hướng dẫn là không đúng vì sau khi văn kiện bị thu hồi, chính Bộ Ngoại giao Singapore đã công bố một bản tóm lược những điểm chính trong tuyên bố chung đó.
Trả lời phỏng vấn nhanh của RFI, giáo sư Thayer nói: “Ban Thư ký ASEAN đã thông qua tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN. Bộ Ngoại giao Malaysia đã gửi bản tuyên bố đó cho hãng tin Pháp AFP. Vào cùng thời điểm, Bộ Ngoại giao Singapore công bố một bản thông cáo báo chí tóm tắt những điểm chính trong Tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Sau đó Ban Thư ký ASEAN đã ra lệnh thu hồi bản tuyên bố và một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết là cần phải sửa đổi khẩn cấp”.
Theo giáo sư Thayer, có nhiều dấu hiệu cho thấy là chính Trung Quốc đã gây sức ép để buộc ASEAN thu hồi văn bản về Biển Đông. Ông phân tích: “Dường như Trung Quốc đã phản ứng sau khi bản tuyên bố chung của ASEAN được hãng tin AFP tiết lộ và điều đó đã dẫn đến quyết định của Ban Thư ký ASEAN hủy bỏ việc công bố văn kiện. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói : ‘Chúng tôi đã kiểm tra với phía ASEAN, và cái gọi là tuyên bố mà AFP loan tin không phải là một tài liệu chính thức của ASEAN’. Nội dung bản tuyên bố chung mà AFPcó trong tay phản ánh gần như nguyên văn những tuyên bố gần đây của các ngoại trưởng mà Campuchia đã đồng ý. Vì thế, vấn đề hiện nay dường như là chủ ý của chính Trung Quốc”.
Theo giáo sư Carl Thayer, Bắc Kinh bất bình vì tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ một hội nghị ASEAN-Trung Quốc, một điều chưa từng xẩy ra. Giáo sư Carl Thayer nhận định: “Nội dung tuyên bố chung của ASEAN do AFP công bố đã phản ánh các tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao Đông Nam Á trước đây, nhưng lại khác với các từ ngữ trong các bản tuyên bố chung ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc đã phản đối từ ngữ của bản tuyên bố chung do Ban Thư ký ASEAN sử dụng, theo đó các diễn biến gần đây đã làm xói mòn niềm tin,...làm leo thang căng thẳng và có nguy cơ phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.
“Tuyên bố ASEAN cũng kêu gọi không quân sự hóa và tự kiềm chế, bao gồm cả việc cải tạo đất đai, và ủng hộ ‘các tiến trình pháp lý và ngoại giao. Các tuyên bố của ASEAN không bao giờ nêu đích danh Trung Quốc”.
Với lập trường cứng rắn hơn được các nước Đông Nam Á nêu ra tại Vân Nam, giáo sư Thayer cho rằng ASEAN có thể sẽ có một lập trường thống nhất khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer dự đoán: “ASEAN chắc chắn sẽ có thể đưa ra được một tuyên bố chung sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) phán quyết, nhưng nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN rất có khả năng sẽ làm giảm nhẹ mức độ mạnh mẽ của các từ ngữ hay hạn chế việc đề cập đến Trung Quốc”.
Minh Châu (TH)