|
Tàu chiến Trung Quốc "diễu binh" ở Pakistan.
|
Hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Thậm chí, Trung Quốc đã không ngần ngại cảnh báo tàu hải quân và tàu khảo sát Ấn Độ đang ở trong lãnh hải Việt Nam.
Theo báo Nhật Asahi Shimbun số ra ngày 12/6, phản ánh thái độ cứng rắn về các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng thuật ngữ "lợi ích cốt lõi" tại hội nghị thượng đỉnh California với Tổng thống Obama, khi đề cập đến tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền của quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Trung Quốc đã gọi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi” lần đầu tiên hồi tháng 4/2013, trong một cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng 1/2013, Cục Khảo sát, bản đồ và thông tin địa lý (NASMG) của Trung Quốc thông báo rằng cơ quan báo chí của Sinomaps đã xuất bản bản đồ mới của Trung Quốc, trong đó bao gồm hơn 130 hòn đảo lớn nhỏ ở Biển Đông. Đáng chú ý là hầu hết các hòn đảo này đều không có trên bản đồ Trung Quốc chính thức trước đó. Bản đồ mới của Trung Quốc cũng bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bản đồ mới của Trung Quốc cũng bao gồm toàn bộ bang Arunachal Pradesh và một bộ phận lớn của bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Hộ chiếu mới của Trung Quốc cũng chứa các bản đồ tương tự.
Đại tá không quân diều hâu về hưu Dai Xu - một nhà bình luận thường xuyên trên các kênh truyền hình Trung Quốc và là tác giả của một cuốn sách mà Chủ tịch Tập Cận Bình thường trích dẫn - nói với các phương tiện truyền thông trong nước rằng Trung Quốc cần “thực hiện hành động quân sự cụ thể”. Về hành động xâm chiếm biển đảo, Dai Xu nói: “ Đầu tiên là cảnh báo và thứ nhì là trục xuất. Và nếu điều đó không hữu hiệu, các tàu xâm phạm sẽ bị bao vây và đánh chìm”.
Chính sách biển mới của Trung Quốc chuyển dịch theo hướng quyết đoán gia tăng. Điều đó ngụ ý rằng với sức mạnh quân sự tăng lên và lợi ích kinh tế-chiến lược mở rộng, Trung Quốc sẽ sao chép hành vi của Mỹ. Trung Quốc sẽ không ngần ngại tiến hành các cuộc điều tra và thu thập thông tin tình báo ở bên vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác. Hành động này của Trung Quốc ban đầu sẽ ảnh hưởng đến Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Khi hải quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu, chính sách này sẽ tác động trực tiếp các nước như Ấn Độ.
Ni Lexiong, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Quốc phòng và sức mạnh biển tại Đại học Luật và Khoa học chính trị ở Thượng Hải, khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “thay đổi khái niệm về hoạt động hàng hải, sau sự phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp hàng hải và sức mạnh của Hải quân Trung Quốc trong thập kỷ qua”. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc đang mưu toan “xét lại” Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà nước này đã ký kết.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lê Chân (theo DNA India)