Trung Quốc muốn gì ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Sự nhập nhằng của Bắc Kinh về Biển Đông là có chủ ý, gieo rắc nhầm lẫn đối với các bên hữu quan và không hề cho biết Trung Quốc muốn gì.

Đó là nhận định của giáo sư quan hệ quốc tế Nick Bisley tại Đại học La Trobe, Australia, trong bài viết đăng trên trang mạng The National Interest ngày 27/10/2016.
Trung Quoc muon gi o Bien Dong?
Nguy cơ đối đầu tàu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh South China Morning Post 
Theo giáo sư quan hệ quốc tế Nick Bisley, các vụ tranh chấp phức tạp đối với các đảo, đá và rạn san hô ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan. Tranh chấp này có lịch sử lâu đời và trở nên phức tạp bởi các cuộc xung đột hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2 ở Đông Nam Á. Tranh chấp Biển Đông một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong khu vực.
Một trong những đỉnh điểm của tranh chấp Biển Đông xảy ra trong năm 2009, khi Trung Quốc quyết định phát hành cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (còn được gọi là “đường lưỡi bò”). Cái bản đồ vừa mơ hồ vừa phi lý này có thể được tìm thấy trong hộ chiếu, trên các tờ tạp chí trong chuyến bay và trong mỗi cuốn sách giáo khoa ở Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện các biện pháp để bảo vệ những gì mà Bắc Kinh tự cho là quyền của mình trên Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp các tính năng tranh chấp thành những “đảo nhân tạo” và xây dựng trên đó các đường băng dài 3.000m và nhiều cảng nước sâu.
Mặc dù người ta có thể thấy rõ ràng phương pháp của Trung Quốc trong việc “bảo vệ quyền lợi” của nước này trên cơ sở hàng ngày, nhưng lại không thấy được mục tiêu chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh.
Điều này có lẽ rõ ràng nhất trong trường hợp cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” kèm theo một ghi chú, trong đó Trung Quốc khẳng định chủ quyền "không thể tranh cãi" đối với các đảo và vùng biển nằm trong cái gọi là “đường lưỡi bò” này. Nhưng cái bản đồ “đường 9 đoạn “ này lại thiếu tọa độ chính xác và rất đỗi mơ hồ.
Sự nhập nhằng này của Trung Quốc là có chủ ý. Nó gieo rắc sự nhầm lẫn trong tâm trí của những bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông và không hề cho biết Bắc Kinh muốn cái gì. Sự mơ hồ có chủ ý này khiến cho việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông trở nên cực kỳ khó khăn và quá trình đàm phán về một số giải pháp có thể chấp nhận cho tất cả các bên hữu quan là hầu như không thể.
Có vẻ như, Trung Quốc đang theo đuổi 3 mục tiêu sau đây.
Thứ nhất, giống như tất cả các quốc gia yêu sách Biển Đông, Trung Quốc là nước nhập khẩu năng lượng ròng. Biển Đông được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt và cái điều mà Trung Quốc muốn không chỉ là lợi ích kinh tế đến từ việc có chủ quyền đối với trữ lượng dầu khí mà còn là vấn đề an ninh mà vùng biển này mang lại. Tương tự, Biển Đông còn là một nguồn cung cấp thủy sản quan trọng và Trung Quốc đánh giá cao nguồn tài nguyên phong phú này vì là một quốc gia tiêu thụ hải sản ngày càng nhiều.
Thứ hai, Bắc Kinh cũng muốn bảo đảm an ninh cho tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với Trung Quốc. Sự thịnh vượng của Trung Quốc phụ thuộc vào dòng chảy thương mại - năng lượng và hàng hóa. Nhưng Trung Quốc không chỉ muốn bảo vệ tuyến đường vận chuyển có tính chất sống còn này. Trong thế kỷ XIX, Trung Quốc đã bị các lực lượng nước ngoài xâu xé và hạ nhục. Chính vì vậy mà vai trò lãnh đạo hợp pháp của Đảng Cộng sản phụ thuộc vào khả năng của đảng trong việc bảo vệ hữu hiệu Trung Quốc trước sự xâm nhập của ngoại bang. Xét theo một số khía cạnh, Biển Đông chính là cửa ngõ của Trung Quốc và Bắc Kinh không muốn cánh cửa đó dễ bị xâm nhập.
Cuối cùng và có lẽ điều quan trọng nhất là ban lãnh đạo đảng và nhà nước ở Bắc Kinh coi Biển Đông là một phần cơ bản của Trung Quốc. Từ lâu, Bắc Kinh đã tuyên truyền rằng Trung Quốc từng là một quốc gia vĩ đại và chỉ thông qua sự lãnh đạo của những người cộng sản, đất nước này mới có thể một lần nữa trở thành trung tâm của thế giới. Do đó, Biển Đông có giá trị dân tộc và bản sắc, vượt lên trên cả nguồn nguyên liệu và vấn đề chiến lược. Giá trị này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hợp thức hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vấn đề ở chỗ là ba mục tiêu này lại khiến cho việc đạt được một giải pháp thông qua thương lượng ở Biển Đông trở nên cực kỳ khó khăn. Đó là chưa kể tầm nhìn của Trung Quốc lại không phù hợp với quan điểm của Mỹ và các đồng minh về tương lai Châu Á.
Và đó là lý do vì sao Biển Đông đã trở thành một phần quan trọng trên chính trường quốc tế và khiến cho việc quản lý tranh chấp ở vùng biển chiến lược này của Mỹ và các đồng minh gây ra khá nhiều tranh cãi.
Minh Châu (Theo The National Interest)