Tờ Kanwa cho rằng, Bắc Kinh có thể đã lập một Vùng Nhân dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông mà không tuyên bố một cách công khai để tránh sự phản đối từ các nước khác.
Tạp chí này cho rằng, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch lập 2 vùng ADIZ ở biển Hoa Đông và Biển Đông sau sự cố ở đảo Hải Nam hồi năm 2001.
Trong sự cố này, một máy bay Mỹ đã va chạm với chiến đấu cơ J-8II của Trung Quốc, khiến 1 phi công Trung Quốc thiệt mạng. Sau đó, Bắc Kinh đã bắt giữ và thẩm vấn 24 người thuộc phi hành đoàn máy bay này.
|
Hai tàu tuần tra biển Trung Quốc đi làm nhiệm vụ. (Ảnh minh họa)
|
Chưa kể, vào tháng 8/2014, trong không phận quốc tế trên Biển Đông, phi công lái máy bay Trung Quốc đã chặn và sau đó tiến sát máy bay tuần tra Mỹ P-8A ở khoảng cách chỉ hơn 10 mét.
Các bằng chứng do Lầu Năm Góc công bố cho báo giới cho thấy, máy bay Trung Quốc bất ngờ bay vọt lên và rẽ phải đột ngột cách mũi chiếc P-8A khoảng 10 mét. Nó thậm chí còn liệng nghiêng để khoe vũ khí.
Vụ việc xảy ra gần ADIZ của Trung Quốc, cách đảo Hải Nam chừng 200 hải lý.
Tạp chí Kanwa lấy trường hợp này như là một gợi ý cho thấy, Bắc Kinh rất có thể vừa lập một ADIZ trên khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, do Hội nghị APEC diễn ra ở Bắc Kinh hồi tháng 11 vừa qua nên chính phủ Trung Quốc có thể đã hoãn kế hoạch thiết lập ADIZ này nhằm tránh sự phản đối từ các nước, đặc biệt là với các nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vụ đụng độ trên cũng chỉ ra một điều rằng, Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn máy bay trinh thám Mỹ đó tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Đồng thời, sự hiện diện máy bay Mỹ ở đây cho thấy, Hải quân nước này rất quan tâm tới các tàu ngầm hạt nhân được Trung Quốc triển khai ở vùng biển cách EEZ của họ 220 km theo hướng đông nam. Kanwa dự đoán, máy bay Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện ở khu vực này trong tương lai.
Hồi tháng 10/2014, nguồn tin của đài Tiếng nói nước Nga cho biết, một khi có căn cứ quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thiết lập một ADIZ.
Bắc Kinh thời gian gần đây gửi đi nhiều tín hiệu phức tạp quanh khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc từng kêu gọi thực hiện nước đi này với lý do "điều đó cần thiết cho lợi ích lâu dài của quốc gia". Trái lại, các phát biểu từ Bộ Ngoại giao lại nhấn mạnh Bắc Kinh không hề có ý định thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Tuy nhiên, những yêu sách đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh đã khắc họa khá rõ tham vọng về một mức độ kiểm soát tối đa của Trung Quốc tại Biển Đông.
Năm 2013, Bắc Kinh đã đơn phương lập ADIZ ở Hoa Đông, bỏ qua sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế. Sự kiện này cho thấy sự sẵn sàng hành động đơn phương của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích riêng của mình.
Thanh Nga (theo WCT)