Hành động sai lầm có thể gây hại cho sự thống nhất trong quân đội và gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với quyền lực chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) Quách Bá Hùng, đã bị chính thức 30/7, được cho là có ảnh hưởng nhiều hơn trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) so với cựu Phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu đã qua đời ở tuổi 71 hồi tháng Ba năm nay trong thời gian chuẩn bị ra hầu tòa. Cả hai viên tướng chóp bu này đều bị cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”, tham nhũng, lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Sói tây bắc Quách Bá Hùng và “Hổ đông bắc” Từ Tài Hậu có cơ sở quyền lực ở tây bắc và đông bắc Trung Quốc. Hai vị thượng tướng này đều tham gia Quân ủy Trung ương đầy quyền lực trong năm 1999.
Mặc dù Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 2004 là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, nhưng bộ đôi Quách Bá Hùng-Từ Tài Hậu trực tiếp lãnh đạo PLA trên thực tế cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012.
Thượng tướng Quách Bá Hùng, 73 tuổi, giữ chức vụ Phó chủ tịch CMC từ năm 2002, trong khi Thượng tướng Từ Tài Hậu được cử giữ chức vụ tương đương vào năm 2004.
Tướng Quách Bá Hùng cũng kinh qua nhiều chức vụ chỉ huy đơn vị chiến đấu trong cuộc đời binh nghiệp kéo dài suốt 51 năm, trong khi tướng Từ Tài Hậu là một sĩ quan chính trị.
Nhà quan sát Huang Jing ở Singapore cho biết rất nhiều tướng tá trong quân đội đã cộng tác chặt chẽ với Thượng tướng Quách Bá Hùng và không loại trừ việc những người này có hành động chống trả trước nguy cơ bị sa thải. Ông nói thêm: "Thách thức đối với Chủ tịch Tập là làm thế nào để thuyết phục những sĩ quan này rằng họ được an toàn, trong khi vẫn có những hành động chống lại những người cần phải bị xử lý kỷ luật”.
Giáo sư Huang Jing của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) thêm rằng các đối thủ của cựu Phó chủ tịch CMC Quách Bá Hùng có thể nhân cơ hội này trả thù những người từng ủng hộ “Sói tây bắc”.
Một kịch bản như vậy có thể làm tổn thương sự thống nhất trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vốn đang bị suy sụp tinh thần trong chiến dịch chống tham nhũng của do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Kể từ năm ngoái, chiến dịch chống tham nhũng đã khiến cho gần 40 sĩ quan hàng đầu bị sa lưới pháp luật.
Ngày 31/7, Phó Tư lệnh quân khu của Hắc Long Giang Zhang Daixin đã bị kết án 10 năm tù giam vì tội tham nhũng.
Theo giới phân tích, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ phải đối phó với sự xoi mói của công chúng về mức độ tham nhũng trong quân đội, sau việc truy tố hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Giáo sư Bo Zhiyue của Đại học Victoria ở Wellington (New Zealand) cho biết chiến dịch chống tham nhũng sẽ bộc lộ “PLA không phải là một lực lượng chiến đấu hùng mạnh mà là một đội quân của các sĩ quan tham nhũng”.
Các nhà quan sát nói rằng động thái mới nhất của ông Tập Cận Bình cũng khiến người ta nghi ngờ cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, người được coi là bảo trợ hai tướng Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Thậm chí còn có đồn đoán rằng ông Tập Cận Bình có thể một lần nữa “phá vỡ tiền lệ”, nhắm vào một cựu Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc.
Về vấn đề này, giáo sư Huang Jing nhận định: "Căn cứ vào nguyên tắc ‘đảng kiểm soát súng’, nhà lãnh đạo đảng tiền nhiệm (Giang Trạch Dân) phải chịu trách nhiệm về việc hai Phó chủ tịch CMC vi phạm kỷ luật trong thời gian dài. Có thể có sức ép đòi ông Tập Cận Bình truy cứu trách nhiệm một trong những người đã đề bạt và bảo vệ tướng Quách Bá Hùng. Điều này đòi hỏi các kỹ năng chính trị cũng như quyết tâm to lớn, do các nguy cơ gây tổn hại cho hình ảnh của chế độ”.
Nhà phân tích Wang Xiangsui của Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh nói rằng cần phải tăng cường cải cách cơ cấu để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong quân đội. Ông Wang nói: "Sự sụp đổ của hai nhà lãnh đạo quân đội cấp cao này cho thấy chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho sai lầm cá nhân”.
Minh Châu (Theo ST Asia)