Tờ Quatz của Mỹ vừa có bài viết về các liên minh mới đang được hình thành ở châu Á. Theo đó, mặc dù có mối liên quan chặt chẽ về thương mại và đầu tư, các nước châu Á đang dần dần hình thành các khối liên minh chiến lược vì nhiều lý do. Đầu tiên phải kể đến nhu cầu về nguyên vật liệu khổng lồ của Trung Quốc cùng các yêu sách chủ quyền và thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên biển Đông. Kế đến là việc Nga ngày càng phô trương sức mạnh quân sự, chủ nghĩa dân tộc dâng cao tại Nhật Bản và chính sách xoay trục sang Châu Á của Mỹ.
Có 3 liên minh được hình thành dựa trên nhu cầu và khả năng của mỗi bên về nguyên vật liệu, nhằm cân bằng lực lượng để giảm lệ thuộc vào các nền kinh tế phương Tây.
Liên minh Chiran: Nga-Trung-Iran
Thứ nhất là khối liên minh Chiran bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran. Đặc điểm chung là các nước này đều kiểm duyệt gắt gao Internet. Trung Quốc và Nga vừa ký kết một hợp đồng cung ứng khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Số lượng các lò phản ứng hạt nhân mà Nga xây dựng cho Iran lên đến 8 lò.
|
Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông cùng với thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Trung Quốc tháng 5/2014. |
Trong khi Mỹ và Châu Âu đang áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước Nga do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Mỹ và Trung Quốc đang xung khắc quanh vụ gián điệp mạng, phương Tây vẫn duy trì lệnh trừng phạt lên Iran, các quốc gia Đông Nam Á tìm cách giảm ảnh hưởng từ Trung Quốc vì thái độ bành trướng của nước này, thì 3 quốc gia : Nga, Trung và Iran vốn đã gần gũi lại có điều kiện xích lại gần nhau hơn.
Ông Michal Meidan, giám đốc văn phòng tư vấn China Matters giải thích, Trung Quốc với chiến lược kinh tế “Con đường Tơ lụa” cho thấy nước này đang quay sang làm bạn với Nga và Trung Á để tận dụng nguồn nguyên vật liệu phong phú của các quốc gia này.
Nga và Trung Quốc vốn
đồng thuận trên hầu hết các vấn đề lớn như Syria và Ukraine, theo nhận xét của ông Andreï Kokochine, Trưởng khoa Chính trị của ĐH Moscow. Nga thừa hưởng một lượng khoáng sản dồi dào, không chỉ có khí đốt, mà còn có đất canh tác mà Trung Quốc vốn ao ước.
Liên minh Ấn Độ - Nhật Bản
Thứ hai, phải kể đến liên minh của hai nền kinh tế lớn trong khu vực Châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ. Điểm chung của 2 nước này là niềm kiêu hãnh dân tộc cũng như cùng
chống lại sự bành trướng thế lực của Trung Quốc. Việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa đắc cử sẽ tạo điều kiện cho Nhật và Ấn hòa hợp hơn, vì cả hai lãnh đạo đều cùng thuộc cánh hữu và theo chủ nghĩa dân tộc. Bang Gujarat, nơi ông Modi từng lãnh đạo, cũng sớm thu hút giới đầu tư Nhật Bản.
|
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trên tài khoản Twitter cho biết sẽ nâng quan hệ Ấn Độ - Nhật lên tầm cao mới sau khi nhận được lời chúc mừng thẳng cử của Thủ tướng nhật Shinzo Abe. |
Chuyến công du cấp nhà nước của ông Modi tại Nhật Bản, đang trong vòng thương lượng, có thể sẽ cho phép Ấn Độ ký kết hiệp định đầu tư với Nhật trong khi Độ đang rất cần thúc đẩy kinh tế. Để giải thích cho sự thắt chặt liên minh này, tờ New York Times nhận định: dân số Nhật già đi có thể được bù đắp bằng một dân số trẻ năng động của Ấn Độ, những tài năng trong ngành công nghiệp Nhật sẽ có dịp phát triển nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú vẫn chưa được khai thác ở Ấn Độ.
Liên minh các nước Đông Nam Á
Liên minh các nước Đông Nam Á theo tờ Quartz bao gồm Philippines, Việt Nam, Campuchia và có thể có các nước khác như Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Điểm chung của các nước Đông Nam Á là đều muốn áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho các tranh chấp lãnh thổ trên biển. Ngoài ra, các nước Đông Nam Á đều không chấp nhận yêu sách “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương thiết lập để giành quyền kiểm soát 90% diện tích biển Đông.
Các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của các quốc gia Đông Nam Á này hiếm khi quy tụ trong cùng một nhóm chính trị. Thế nhưng, thái độ hung hăng, bành trướng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông buộc các nước này phải hợp tác với nhau.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Philippines hồi tháng 5 cho thấy tín hiệu mới về quan hệ Việt Nam và Philippines. |
Cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ngày 21/5/2014 cho thấy một “sự thảo luận hiệu quả” về việc tiến tới thành lập quan hệ hợp tác song phương, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế giữa hai nước.
Tuy nhiên, ông Michal Meidan, giám đốc văn phòng tư vấn China Matters nhận định: “Những thay đổi trong liên minh rất quan trọng về phương diện địa chính trị nhưng những hệ quả của nó trên thị trường vẫn còn hạn chế”.
Ngô Trang