Trung Quốc hết kiên nhẫn với lãnh đạo Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Những ý kiến được đăng trên báo chí Trung Quốc về quan hệ với đồng minh lâu năm Triều Tiên xem ra chẳng có chút gì là … xã giao.

 Lãnh đạo Trung Quốc xem ra hết kiên nhẫn với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Về quan hệ “anh em ruột thịt” giữa Trung Quốc và Triều Tiên, một cư dân mạng có tên là Yan Heming đặt câu hỏi: "Liệu chúng ta có nên giúp đỡ một nước đe dọa biến một nước khác thành biển lửa?”

Sáu thập niên sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Bình Nhưỡng tỏ ra hiếu chiến hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các công dân Trung Quốc bình thường lại tập trung vào tiêu chuẩn sống, không thích chiến tranh. Theo giới phân tích, khi Trung Quốc phát triển thịnh vượng, công dân nước này ít có điểm tương đồng với những người anh em đang thiếu đói ở Triều Tiên.  

Một cư dân mạng ở Trung Quốc lo ngại: “Sẽ là rắc rối lớn đối với  Trung Quốc, khi làn sóng người tị nạn Bắc Triều Tiên - bao gồm cả những kẻ buôn bán ma túy, gián điệp và những kẻ làm tiền giả - tràn vào Trung Quốc”.

Về sự hy sinh của các chí nguyện quân Trung Quốc “viên Triều chống Mỹ” hồi những năm 1950, cư dân mạng Yan Heming viết: “Hàng trăm ngàn chí nguyện quân Trung Quốc trẻ tuổi đã bỏ mình ở Bắc Triều Tiên. Liệu người Triều Tiên có bao giờ quí trọng sự hy sinh đó?”

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên là Kim Il-sung (Kim 1.0) và con trai của ông Kim Jong-il (Kim 2.0) cũng có một số hành động khiêu khích, nhưng những lời đe dọa hạt nhân gần đây của nhà lãnh đạo thế hệ thứ 3 Kim Jong-un (Kim 3.0) là chưa từng có, đẩy căng thẳng lên mức độ mới.

Giáo sư quan hệ quốc tế Chu Shulong của Đại học Thanh Hoa nói: “Đây là một nhà lãnh đạo điên khùng. Vì vậy, ông ta quá nguy hiểm”.

Từ lâu, giáo sư Chu cho rằng Trung Quốc đã tỏ ra “quá mềm yếu đối với Triều Tiên” và cần cứng rắn hơn. Ông nói: “Chúng ta cần phải có nhiều biện pháp trừng phạt hơn. Hãy để họ biết rằng chúng ta đang tức giận và không thể chấp nhận hành động của họ”.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã tìm lôi kéo Triều Tiên, cung cấp viện trợ và đầu tư cũng như yêu cầu Triều Tiên tiến hành cải cách mở cửa, hiện đại hóa kinh tế.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Kim Jong-il đã được mời đến tham quan các nhà máy sản xuất điện thoại di động, xe máy, cáp quang và nhiều cuộc triển lãm về thành tựu cải cách kinh tế của Trung Quốc. Trong năm 2011, hai bên đã thỏa thuận xây dựng 2 đặc khu kinh tế ở Triều Tiên. Mục đích của thỏa thuận này là tạo ra lợi ích chung vì  ổn định và phát triển.

Ngày nay, mối quan hệ Trung-Triều có nhiều hạn chế. Việc Trung Quốc bán thiết bị quân sự cho Triều Tiên đã chấm dứt cách đây nhiều năm. Trung Quốc hiện chỉ còn cung cấp cho Triều Tiên khoảng 10.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Số dầu khiêm tốn đó chỉ đáng giá 400 triệu USD một năm. Trong tháng Hai vừa qua, Trung Quốc đã không cung cấp dầu thô cho Triều Tiên, nhưng đó cũng là chuyện từng xảy ra trong 2 năm trước đây, cũng vào tháng này.

Việc đe dọa sử dụng hạt nhân mới đây nhất của ông Kim 3.0 (Kim Jong-un) đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận thất bại trong việc lôi kéo Triều Tiên.

Jonathan Pollack, giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Brookings, nói: “Tuy ‘vở kịch chính trị’ này chủ yếu dành cho các ‘khán giả’ trong nước, nhưng các hành động phiêu lưu mới nhất của Bắc Triều Tiên đã  làm thay đổi sự cân bằng của dư luận ở Bắc Kinh. Vấn đề này đã trở thành chủ đề tranh luận liên tục ở Trung Quốc, kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006.  Nhưng đây là lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu thừa nhận quan điểm coi Bắc Triều Tiên như một tài sản chiến lược là nực cười, ngay cả khi họ vẫn chưa biết cách phải làm gì với nước này”.

Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã báo hiệu sự thay đổi đó. Gần một thập kỷ trước, người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào từng nói với ông Kim Jong-il, người đã qua đời vào năm 2011, rằng quan hệ Trung-Triều là “vững như bàn thạch”.

Nhưng ngày 7/3/2013, Trung Quốc ủng hộ Liên Hợp Quốc siết chặt lệnh trừng phạt Triều Tiên. Ngày 6/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Bắc Kinh phản đối mọi lời lẽ và hành động khiêu khích của bất kỳ bên nào trong khu vực và không cho phép ai gây rối ở ngưỡng cửa Trung Quốc”.

Một bài xã luận ngày 10/4 của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, viết tuy Triều Tiên có quyền chính đáng để theo đuổi chính sách đối nội riêng và tăng cường lực lượng quân sự mà không có sự can thiệp nước ngoài, nhưng Bình Nhưỡng đã vượt qua “vạch đỏ” với các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân.

Bài xã luận của Nhân dân Nhật báo cho rằng Bình Nhưỡng “phải chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên” và viết tiếp: “Nếu sự lựa chọn và lời nói của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. . . ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực, nước này sẽ trở thành một vấn đề quốc tế. Chúng ta không thể để cho CHDCND Triều Tiên làm bất cứ điều gì mà nước này muốn”.

Theo giáo sư Chu Shulong, “sự khoan dung của Trung Quốc đang đi đến hồi kết thúc”.

TIN LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo Washington Post)