Khách hàng khí đốt lớn nhất của Trung Á
Trong 15 năm qua, Trung Quốc chuyển sang khu vực Trung Á để tìm nguồn cung giúp giải “cơn khát năng lượng” của nước này.
Theo một báo cáo của tập đoàn Dầu khí Anh (BP), gần một nửa số khí tự nhiên nhập khẩu vào Trung Quốc bắt nguồn từ vùng này. Ngoài ra, cũng theo báo cáo này, nhu cầu của Trung Quốc về khí đốt từ Trung Á sẽ tiếp tục tăng do Bắc Kinh muốn giảm lệ thuộc vào than đá.
Việc Trung Quốc coi Trung Á là mỏ năng lượng dành cho nước này đang làm lung lay hệ thống địa chính trị của Nga. Báo cáo của BP cho thấy Bắc Kinh sẽ thay thế Moscow ở Trung Á.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng lãnh đạo các quốc gia Trung Á. |
Trung Quốc tranh thủ cảm tình của chính phủ các quốc gia Trung Á khi tỏ ra sẵn lòng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây. Trung Quốc cũng trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại 5 quốc gia Trung Á. Dù vậy, các quốc gia Trung Á vẫn nỗ lực cân bằng mối quan hệ với Nga, Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, khi các lực lượng Mỹ rời Afghanistan và ít chú ý tới khu vực này, tham gia vào “cuộc đua ảnh hưởng” lúc này chỉ có Nga và Trung Quốc.
Mặc dù Nga đi theo con đường đồng minh về quân sự và thành lập các tổ chức chính thức nhằm duy trì quan hệ với Trung Á, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng không hề nhỏ và chủ yếu thông qua con đường kinh tế. Trung Quốc là khách hàng lớn của Trung Á về khí đốt. Theo BP, trong năm 2013, Turkmenistan đã cung cấp cho Trung Quốc 24,4 tỷ m3 khí tự nhiên, Uzbekistan cung cấp 2,9 tỷ m3 và Kazakhstan cung cấp 0,1 tỷ m3. Tổng số khí đốt trên chiếm hơn 45% lượng khí đốt nhập khẩu vào Trung Quốc và có giá trị gần 2,5 tỷ USD.
Trung Quốc cũng giành được ảnh hưởng tại Trung Á nhờ thực hiện các dự án lớn ở khu vực này. Ngày 15/6, Trung Quốc khai trương một đường ống dẫn khí đốt khác nối với Trung Á, chạy từ Turkmenistan qua Uzbekistan và Kazakhstan tới miền tây Trung Quốc. Dự kiến đường ống này sẽ vận chuyển 25 tỷ m3 khối khí. Dự kiến một đường ống dẫn khí có năng lực tương tự cũng sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Các đường ống dẫn khí mới này, cùng với hoạt động sản xuất gia tăng ở Turkmenistan, sẽ làm tăng tổng lượng khí chuyển từ Trung Á tới Trung Quốc lên tới 65 tỷ m3 mỗi năm. Sản lượng đó sẽ vượt mức 38 tỷ m3 mỗi năm do Nga cung cấp cho Trung Quốc theo thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD mà hai nước vừa kí kết.
Đến năm 2020, Trung Quốc – nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới phải nhập 120 tỷ m3 khí đốt, do đó các quốc gia Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan ngày càng lệ thuộc vào doanh thu từ xuất khẩu năng lượng cho Trung Quốc. Khi đó, có thể nói Bắc Kinh không có đối thủ ở Trung Á.
Turkmenistan, quốc gia có dự trữ khí tự nhiên lớn thứ tư thế giới, là nơi thể hiện rõ nhất chiến lược năng lượng của Trung Quốc đối với Trung Á. Turkmenistan đã vay Trung Quốc hơn 10 tỷ USD để khai thác các mỏ khí ở Galkynysh. Khi các mỏ khí được bắt đầu khai thác, Turkmenistan phải trả khoản nợ 10 tỷ USD cho Trung Quốc bằng khí đốt.
Các dự án với Trung Quốc cũng có lợi cho Turkmenistan do nước này đang đứng trước bờ vực vỡ nợ và đang phải vận chuyển khí đốt qua các đường ống cũ từ thời Liên Xô và do đó lệ thuộc nặng nề vào Nga. Các đường ống dẫn khí do Trung Quốc tài trợ cũng mang lợi cho các quốc gia láng giềng của Turkmenistan, tăng cường giao thương và giúp Trung Quốc xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược” với tất cả 5 quốc gia vùng Trung Á.
Liệu Nga có bị Trung Quốc “hất cẳng”?
Nga cũng hiểu và thu lợi từ nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ Nga – châu Âu căng thẳng vì cuộc khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng tới xuất khẩu khí đốt của Nga, Moscow càng lệ thuộc nhiều hơn vào khách hàng mới là Trung Quốc để duy trì nền kinh tế.
|
Một đường ống dẫn khí nối Kazakhstan - Trung Quốc được khai trương năm 2008.
|
Bất chấp nguy cơ bị Trung Quốc “hất cẳng” khỏi Trung Á, Nga vẫn đang có tầm ảnh hưởng lớn tới khu vực này. Moscow có các căn cứ quân sự ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan và thể hiện vai trò then chốt về an ninh của khu vực thông qua Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể. Liên minh thuế quan do Nga dẫn đầu sẽ được “nâng cấp” thành Liên minh Âu - Á xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các quốc gia thành viên và đóng vai trò là tổ chức bình ổn của khu vực.
Tuy nhiên, trong khi đó Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở khắp Trung Á và mua phần lớn lượng khí đốt ở đây. Tất nhiên các quốc gia Trung Á sẽ không trở thành những con tốt trong bàn cờ Trung Á nhưng rất khó xác định quốc gia nào giành chiến thắng ở khu vực này.
Tùng Lâm