Trung Quốc dự phòng tình huống tồi tệ nhất ở Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Theo học giả Jia Qingguo - hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất ở Triều Tiên.

Ông Jia Qingguo là hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế trực thuộc Đại học Bắc Kinh và là ủy viên Ủy ban thường trực Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp).
Trung Quoc du phong tinh huong toi te nhat o Trieu Tien
Quan hệ Trung-Triều đang trở nên nguội lạnh dưới thời hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un. Ảnh ghép: Asia News 
Học giả Jia Qingguo cho rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân gần đây đã khiến Triều Tiên trở thành trung tâm của sự chú ý của quốc tế.
Các cuộc thử tên lửa-hạt nhân này cho thấy Bình Nhưỡng không chỉ sở hữu vũ khí hạt nhân, mà còn có các tên lửa bắn tới bờ biển phía tây của nước Mỹ. Chẳng bao lâu nữa, Triều Tiên sẽ có thể thu nhỏ các vũ khí hạt nhân và lắp chúng vào các tên lửa tầm trung, tầm xa.
Đối với Trung Quốc, sự kiện này đã làm tăng tính cấp bách của việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cùng với một số yếu tố khác, nó đã làm tăng khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên.
Ngay cả khi Mỹ không tấn công Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt nghiệt ngã cùng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ xung đột quân sự và một cuộc khủng hoảng lớn trên Bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc đã nỗ lực thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên. Quan trọng hơn, Bắc Kinh đã đình chỉ nhập khẩu than từ Triều Tiên, vốn được cho là nguồn thu nhập chính cho Bình Nhưỡng.
Ban lãnh đạo ở Bắc Kinh hy vọng Bình Nhưỡng Tiên nhận thức được vấn đề và chấp nhận đề xuất "đóng băng kép” của Trung Quốc, có nghĩa là Triều Tiên sẽ đình chỉ các cuộc thử tên lửa-hạt nhân để đổi lấy việc đình chỉ các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
Bắc Kinh tin rằng đây là cách duy nhất để làm dịu tình hình và mở đường cho cuộc đối thoại đàm phán giữa hai bên.
Nhưng ban lãnh đạo Triều Tiên đã phớt lờ nỗ lực của Trung Quốc. Bình Nhưỡng không chỉ tiếp tục các cuộc thử tên lửa, mà còn công khai tuyên bố sẽ huỷ diệt Guam bằng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ sử dụng vũ lực.
Khi chiến tranh trở thành nguy cơ thực sự, Trung Quốc cần chuẩn bị các biện pháp đối phó. Và, theo học giả Jia Qingguo, Bắc Kinh cần sẵn sàng hơn trong việc đàm phán về kế hoạch dự phòng với các nước có liên quan.
Từ lâu, Mỹ và Hàn Quốc đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc tiến hành đàm phán về kế hoạch dự phòng. Cho đến nay, Bắc Kinh đã phản đối ý tưởng này vì sợ làm xáo trộn và làm phật lòng Bình Nhưỡng. Nhưng, với những diễn biến gần đây, Bắc Kinh có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu nói chuyện với Washington và Seoul.
Vấn đề đầu tiên mà Bắc Kinh muốn nói tới là ai sẽ kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Suy cho cùng thì những vũ khí này là quá nguy hiểm nếu nằm trong tay Quân đội Nhân dân Triều Tiên bị hỗn loạn về chính trị.
Trung Quốc có thể gặp rắc rối với việc Quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 như thời Chiến tranh Triều Tiên hồi đầu những năm 1950.
Nói chung, Trung Quốc muốn giám sát kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Mỹ có thể chấp nhận điều này vì lý do không phổ biến vũ khí hạt nhân và chi phí bảo quản cao. Trong quá khứ, Mỹ không phản đối việc quân đội Trung Quốc thực hiện các hành động như vậy ở miền bắc Bán đảo Triều Tiên.
Vấn đề thứ hai mà Bắc Kinh muốn nói tới là làm thế nào để giải quyết vấn đề người tị nạn. Bắc Kinh có thể chấp nhận đề xuất về việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc qua biên giới và tạo ra một khu vực an toàn trên lãnh thổ Triều Tiên cho những người tị nạn, tránh xảy ra một làn sóng tị nạn khổng lồ tràn vào khu vực đông bắc Trung Quốc.
Vấn đề thứ ba mà Bắc Kinh muốn nói đến là ai sẽ khôi phục lại trật tự ở Triều Tiên trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Các lực lượng Hàn Quốc, các lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ hay một số lực lượng khác? Bắc Kinh có lẽ sẽ phản đối Washington làm công việc này vì điều đó sẽ đòi hỏi Quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38.
Vấn đề thứ tư mà Bắc Kinh muốn thảo luận là thể chế chính trị thời “hậu khủng hoảng Triều Tiên”. Liệu có để cho cộng đồng quốc tế thành lập một chính phủ mới cho Triều Tiên? Hay liệu có nên thông qua một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Bán đảo Triều Tiên do Liên Hợp Quốc chủ trì để chuẩn bị cho việc thống nhất hai miền?
Cuối cùng, Bắc Kinh cũng có thể muốn nói về việc dỡ bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đã triển khai ở Hàn Quốc, sau khi không còn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cho rằng hệ thống THAAD làm suy yếu an ninh của Trung Quốc và đã yêu cầu Mỹ-Hàn dỡ bỏ nó.
Washington và Seoul có thể chấp nhận yêu cầu này vì suy cho cùng, cả hai đều khẳng định nhiều lần rằng việc triển khai hệ thống THAAD chỉ nhằm đối phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Như trước đây, Trung Quốc không muốn đối mặt với tình hình khủng hoảng ở Triều Tiên vì nó đe dọa dẫn đến chiến tranh hạt nhân, bất ổn chính trị, vấn đề người tị nạn và những hậu quả tiêu cực khác không lường trước được.
Học giả Jia Qingguo kết luận: Khi tình hình trên Bán đảo Triều Tiên xấu đi, Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc chuẩn bị các phương án dự phòng.
Minh Châu (Theo East Asia Forum)