Trên nhật báo Times of India số ra ngày 24/9, nhà nghiên cứu Nayan Chanda nhận định: Nếu mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, thì việc xây dựng sân bay và triển khai tên lửa trên các hòn đảo mới bồi đắp chỉ là các động thái rất nhỏ.
|
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh Getty Images |
Bước đầu tiên để trở thành cường quốc biển
Theo chuyên gia Nayan Chanda, ban lãnh đạo Trung Quốc có mục tiêu chiến lược to lớn hơn nhiều. Đó là thiết lập quyền thống trị trên Biển Đông, một chặng thiết yếu đầu tiên của Trung Quốc trên bước đường thực hiện tham vọng trở thành cường quốc biển.
Khi tuyên bố rằng Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc - ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và loại trừ hoàn toàn khả năng thỏa hiệp hoặc đàm phán trên vấn đề này, ban lãnh đạo ở Bắc Kinh đã nhấn mạnh giá trị chiến lược mà họ gắn cho Biển Đông.
Bắc Kinh đã cho khoan dò dầu khí ở Biển Đông, đã tìm cách lôi kéo các tập đoàn dầu mỏ nước ngoài bằng cách giao thầu khai thác, trong lúc lại dùng các thủ đoạn ngoại giao và cả sức mạnh cụ thể để cản trở không cho các nước khác như Việt Nam thăm dò dầu khí.
Trung Quốc cũng đã đơn phương cấm đánh bắt cá trong vùng biển của các láng giềng vào một số thời điểm nhất định trong năm và gần đây còn đòi ngư dân từ các nước khác phải xin phép trước khi vào Biển Đông đánh bắt. Trung Quốc đã mở rộng đáng kể đội tàu Cảnh sát biển, trang bị vũ khí mạnh cho các tàu này, đồng thời khuyến khích đội tàu đánh cá của nước này đến hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.
Mỹ và nhiều nước khác đã phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bị cho là có tác dụng cản trở quyền tự do hàng hải.
Thế nhưng, điều mà Trung Quốc thực sự muốn làm là ngăn chặn các hoạt động do thám của tàu thuyền và máy bay Mỹ trên Biển Đông. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tàu và máy bay nước ngoài được phép “đi qua vô hại” vùng đặc quyền kinh tế mở rộng của một nước khác.
Tạo ra “vùng cấm hải quân nước ngoài”
Vì sao Trung Quốc cố sức thiết lập quyền thống trị ở khu vực Biển Đông?
Các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực lập kế hoạch và triển khai lực lượng quân sự kết luận rằng điều mà Bắc Kinh muốn là tạo ra một “vùng cấm hải quân nước ngoài” để bảo vệ lực lượng tàu ngầm còn non trẻ của Trung Quốc.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm được bảo vệ chặt chẽ ở Tam Á, nằm sâu dưới các mỏm đá trên đảo Hải Nam. Vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc triển khai tàu ngầm có vũ khí hạt nhân của họ từ Tam Á ra vùng biển khơi ngoài Thái Bình Dương chính là vùng nước nông của Biển Đông.
Do việc tàu ngầm Trung Quốc vẫn rất ồn, hành trình đi về phía tây của chúng sẽ bị phát hiện. Hiện nay, để tránh bị dò tìm, tàu ngầm Trung Quốc chỉ có thể sử dụng một con kênh nước sâu mang tên Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines, ở độ sâu 4.000 mét. Thế nhưng nơi này gần như là liên tục nằm trong tầm giám sát của Mỹ và hải quân các nước khác. Khi bố trí chiến đấu cơ và tên lửa tầm ngắn trên chuỗi đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và quân sự hóa ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gây khó khăn cho đối thủ trong công việc giám sát, đồng thời tăng cường khả năng gây nguy hiểm cho kẻ thù.
Chính quyền Mỹ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển bị Trung Quốc đòi chủ quyền một cách phi pháp. Thế nhưng trong thực tế, các động thái mang tính biểu tượng như vậy đã trở nên thưa thớt gây ra sự hoài nghi về quyết tâm của Mỹ trong việc thách thức các yêu sách trái phép của Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang dần tăng cường sức mạnh hải quân, gia tăng số tàu ngầm hạt nhân và đem chiến hạm ra tận Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thỏa thuận gần đây với Djibouti đã cung cấp cho Trung Quốc một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, nơi Hải quân Trung Quốc có thể đưa tàu vào trú ẩn và nhận tiếp tế.
Theo chuyên gia Ấn Độ Nayan Chanda, các “mỏm đá và rạn san hô” ở Biển Đông bị Trung Quốc quân sự hóa có thể có hậu quả nghiêm trọng hơn những gì Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Minh Châu (BT)