Hai miền Triều Tiên chiều 23/8 đã nối lại cuộc đàm phán cấp cao nhằm tránh xảy ra nguy cơ chiến tranh Hàn-Triều. Seoul đã cáo buộc Bình Nhưỡng làm xói mòn tiến trình này khi tiếp tục các hoạt động triển khai trên biển và trên bộ. Tuy nhiên cuộc đàm phán kéo dài từ đêm 22/8 tới sáng 23/8 mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng nào.
Đàm phán không có kết quả đã dẫn đến những tuyên bố và động thái cứng rắn từ các bên. Hãng tin nhà nước Triều Tiên, KCNA đã ngay lập tức lên tiếng: “Chúng tôi đã tự kiềm chế trong hàng thập kỷ qua. Giờ chắc không có ai có thể nói rằng, tự kiềm chế sẽ giúp ích cho việc giải quyết tình hình”.
|
Các hệ thống phóng tên lửa đa nòng tại một lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng.
|
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, khoảng 70% số tàu ngầm của Triều Tiên, tương đương 50 chiếc, đã rời các căn cứ quân sự tại khu vực duyên hải phía tây và phía đông của Triều Tiên ngày 22/8 song đã không bị quân đội Hàn Quốc phát hiện.
Con số 70% này cho thấy các hoạt động quân sự của Triều Tiên đang gia tăng ở mức cao, tăng gấp 10 lần kể từ khi chiến tranh liên Triều kết thúc năm 1953, trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến căng thẳng.
Về phía Hàn Quốc, vào ngày 22/8, Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã điều 8 máy bay chiến đấu tấn công các mục tiêu mô phỏng để tăng cường sức mạnh.
Diễn biến này đã khiến Trung Quốc phải có động thái chuẩn bị cho bất kỳ tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Vào ngày 21/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Doanh cho biết, Bắc Kinh vẫn theo dõi sát sao mọi diễn biến và vô cùng quan ngại trước những căng thẳng gần đây giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Đi kèm với phát ngôn “quan ngại”, Trung Quốc cũng gia tăng quân sự ở khu vực biên giới. Theo báo chí Hongkong, quân đội Trung Quốc đã điều động lực lượng áp sát biên giới nước này với Triều Tiên.
Người dân ở giáp biên với Triều Tiên đã chứng kiến sự xuất hiện bất thường của lực lượng xe bọc thép, xe tăng quân đội trên đường phố thuộc thành phố Diên Cát, Diên Biên phía Đông tỉnh Cát Lâm. Xe tăng, xe bọc thép quân đội Trung Quốc chỉ cách biên giới với Triều Tiên chưa đầy 30 km.
Việc triển khai lực lượng quân sự áp sát biên giới Triều Tiên phản ánh Bắc Kinh đang lo lắng một cách nghiêm túc về bế tắc hiện nay giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Bắc Kinh “phát hoảng” vì bị đẩy làm trung gian?
Tối hậu thư mà Triều Tiên gửi cho Hàn Quốc hôm 21/8 vừa qua lại chính là được đưa tới Đại sứ quán Triều Tiên tại Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, tối hậu thư nhấn mạnh Triều Tiên sẽ bắt đầu thực hiện các hành động quân sự mạnh mẽ nếu như phía Hàn Quốc không chấm dứt cuộc chiến tranh tâm lý. Đáp lại, Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục có các hành động, mà Hàn Quốc gọi là khiêu khích.
Reuters dẫn lời Đại sứ Triều Tiên tại Nga rằng bán đảo Triều Tiên đang đứng bên bờ vực chiến tranh và Triều Tiên sẽ phản ứng mạnh mẽ trong trường hợp Hàn Quốc bác bỏ các yêu cầu của Triều Tiên về việc chấm dứt các chương trình phát thanh tuyên truyền ở biên giới, trước thời hạn chót vào chiều 21/8.
Ngoài việc 2 miền Triều Tiên tung ra những lời lẽ cứng rắn thì giới phân tích lại để ý nhiều tới yếu tố Bắc Kinh trong dụng ý hành động của phía Bình Nhưỡng. Việc Bình Nhưỡng “bắn tin” cho Seoul thông qua đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh chỉ là nhằm lôi kéo Trung Quốc vào cuộc hòng gây áp lực tâm lý với Hàn Quốc. Một mũi tên trúng 2 đích, vừa là để trả đũa cuộc tập trận chung Mỹ -Hàn; nhưng sâu xa cũng là “lời nhắn gửi” với Trung Quốc trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 2-4/9 tới.
Mỹ, Nhật nhảy vào nếu xảy ra chiến tranh Hàn-Triều
Ngay khi có thông tin về cuộc nã pháo giữa 2 miền Triều Tiên, báo chí Nga đã đưa ra nhận định về khả năng Mỹ, Nhật sẽ vào cuộc nếu xảy ra chiến tranh liên Triều.
Đối với Washington, Hàn Quốc là một tiền đồn hoàn hảo nằm gần biên giới Trung Quốc. Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở quốc gia này và cả ở Nhật Bản, Hawaii là vì những tuyên bố đe dọa ngày càng tăng cường độ nguy hiểm của Triều Tiên cũng như việc quốc gia này theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Việc Hàn Quốc bị “tấn công” chắc chắn sẽ khiến Mỹ “không thể ngồi yên”.
Nhật Bản cũng vậy, chắc chắn sẽ gia tăng sức mạnh quân sự của mình đề phòng trường hợp xấu nhất là chiến tranh lan ra khu vực Đông Bắc Á.
Sự gia tăng hiện diện của Mỹ và Nhật sẽ khiến tham vọng kiểm soát vùng biển Hoa Đông của Bắc Kinh chính thức phá sản.
Nói tóm lại, một cuộc chiến liên Triều dù khó xảy ra nhưng nếu trở thành sự thật, sẽ mang lại bất lợi vô cùng lớn cho Trung Quốc, đẩy chính quyền Bắc Kinh vào một “cơn ác mộng” thực sự khó lường.
Theo VOV.VN