Trung Quốc đang có những tính toán sai lầm trên Biển Đông

Google News

Với việc Trung Quốc tuyên bố phớt lờ phán quyết PCA trong vụ kiện Biển Đông, không khó để thấy Trung Quốc muốn trở thành “nước lớn” như thế nào.

Sai lầm chồng chất sai lầm
Tuyên bố bác bỏ phán quyết từ Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS của Trung Quốc là không có gì mới mẻ bởi từ trước đó, Trung Quốc đã có rất nhiều những hành động đi ngược lại với tinh thần gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông mà chính nước này thường xuyên đề cập tới.
Biểu hiện rõ ràng nhất là việc Trung Quốc xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên các bãi đá bị nước này cải tạo phi pháp từ các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trung Quoc dang co nhung tinh toan sai lam tren Bien Dong
Trung Quốc đã bồi đắp trái phép bãi ngầm Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa  thành đảo nhân tạo khổng lồ và xây dựng một đường băng dài 3.000m vùng nhiều nhà chứa chiến đấu cơ (Hangars) trên đó. Ảnh CSIS/AMTI
Trong đó, đáng chú ý, căn cứ quân sự trên bãi Chữ Thập nằm sát gần khu vực phía nam của Việt Nam nhưng lại cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 1.000km.
Tương tự, căn cứ quân sự mà Trung Quốc dự định xây dựng trên bãi cạn Scarborough cũng chỉ nằm cách Manila (Philippines) gần 250km nhưng lại cách Trung Quốc tới hơn 850km.
Rõ ràng, theo phán quyết của PCA, những gì mà Trung Quốc “dày công xây đắp” hòng tạo sự đã rồi ở Biển Đông sẽ “trở thành công dã tràng” trong tương lai không xa.
Điều quan trọng bây giờ là Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào với phán quyết của PCA để nhận được sự tôn trọng của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình cải tạo đảo của mình và phớt lờ phán quyết của PCA. Các chuyên gia nhận định, các công trình xây dựng phi pháp nói trên sẽ trở thành “bàn đạp” để thiếp lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Điều này cho thấy, Trung Quốc sẵn sàng thách thức và không ngại đối đầu với bất kỳ tàu chiến hay chiến đấu cơ từ bất kỳ quốc gia nào “dám” tiếp cận khu vực mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố “có chủ quyền lịch sử” dù cái gọi là “chủ quyền lịch sử” này đã bị phán quyết PCA bác bỏ. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc đang mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình.
Trung Quốc không thể đối đầu với mọi quốc gia
Dù vậy, với phán quyết của PCA trong tay, Mỹ và nhiều quốc gia khác sẽ không đời nào chấp nhận việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Chính vì vậy, việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẵn sàng “tuyên chiến” với Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy bởi cả Ấn Độ và Pháp cũng đã tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tuần tra nhằm thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông như Mỹ.
Rõ ràng, Trung Quốc không muốn đối đầu với hải quân của một loạt các nước nói trên ở Biển Đông bởi điều này sẽ gây bất lợi rất lớn cho Trung Quốc.
Kịch bản này không có gì mới mẻ bởi nhiều nhà phân tích từ 2 năm trước đã cảnh báo về viễn cảnh “không mấy làm dễ chịu gì” cho Trung Quốc nếu nước này cứ tiếp tục những hành vi gây bất ổn trong khu vực.
Không chỉ chịu bất lợi trên biển, Trung Quốc được cho là “thiệt đơn thiệt kép” nếu Mỹ, Nhật Bản và EU ngừng giao thương với nước này do bất đồng về vấn đề Biển Đông.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và EU lên tới 500 tỷ USD và chỉ riêng với Mỹ đã là 360 tỷ USD tương đương 3% GDP của Mỹ. Rõ ràng, việc “gây hấn” với Mỹ có thể khiến mức thặng dư thương mại này của Trung Quốc “bay hơi” và khiến kinh tế Trung Quốc đi vào suy thoái.
Hơn thế nữa, Hải quân Mỹ còn đang kiểm soát cả eo biển Hormuz ở Vịnh Ba Tư và eo biển Malacca gần Singapore nơi gần 1/2 lượng dầu mỏ mà Trung Quốc cần được chuyển qua. Nếu xảy ra đối đầu, Mỹ có thể cấm vận việc vận chuyển số dầu mỏ này qua 2 eo biển nói trên khiến kinh tế Trung Quốc “ngã quỵ” trong vòng một tháng.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Biển Đông
Cần thừa nhận rằng, Trung Quốc là một nước lớn cần được tôn trọng và người dân Trung Quốc cũng đã đạt được những thành tựu lớn lao rất đáng tôn trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để Trung Quốc nhận được sự tôn trọng đó lại là một câu hỏi không dễ trả lời.
Đối với Trung Quốc, việc tiến ra Biển Đông sẽ khiến nước nay quay lại với giai đoạn mà nước này gọi là “Bách niên quốc sỉ”- ám chỉ giai đoạn các cường quốc châu Âu, Mỹ và Nhật Bảm can thiệp vào Trung Quốc từ 1839-1949.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiếp tục chịu “quốc sỉ” sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ một nước nào, trong đó có Mỹ. Một Trung Quốc giận dữ và thất vọng sẽ gây ra những nguy cơ rất lớn về lâu dài cho thế giới.
Ngay cả khi Trung Quốc chịu nhún nhường vào thời điểm này, nước này cũng sẽ tìm cách quay trở lại trong 10-20 năm tới khi tình thế có lợi cho nước này. Trong thời gian đó, Trung Quốc sẽ cổ súy tinh thần dân tộc bài ngoại, đặc biệt là Mỹ ở trong nước. Một kịch bản không đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.
Mặc dù vậy, việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với bất kỳ nước nào sẽ đem lại kết cục hủy diệt đối cho tất cả các bên bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ.
Vậy, Trung Quốc sẽ phải làm gì trong tình thế này? Liệu Trung Quốc có lại sa vào “cái bẫy” Chính sách mở cửa mà Mỹ đặt ra từ cuối những năm 1800 nhằm buộc Trung Quốc phải mở cửa giao thương với phương Tây? Liệu điều này có đẩy Trung Quốc vào vòng “Bách niên quốc sỉ” một lần nữa?
Tuy nhiên, mọi cánh cửa dường như vẫn chưa “đóng sầm” trước mặt Trung Quốc. Nếu hành xử khéo léo, Trung Quốc vẫn có thể dành được sự tôn trọng của một nước lớn như nước này hằng mong muốn.
Theo VOV.VN/NI