Ngày 14/5, Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo mới, gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khoe rằng đây là vụ thử nghiệm một “hệ thống vũ khí hoàn hảo” và tên lửa này có khả năng mang “đầu đạn hạt nhân cỡ lớn”.
Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong tuyên bố các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là cách để Triều Tiên tự vệ.
|
Trung Quốc có thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng hôm 14/5. Ảnh: Daily Star. |
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc và các quốc gia trên thế giới đồng loạt chỉ trích động thái thử tên lửa làm gia tăng căng thẳng của Triều Tiên.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, cho rằng "hành động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh tại khu vực".
Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ thử tên lửa là “hành động nguy hiểm” nhưng nói thêm Bình Nhưỡng đang bị đe dọa.
Theo đề nghị của Mỹ và Nhật Bản, HĐBA LHQ sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngày 16/5 để thảo luận về các biện pháp đối phó Triều Tiên. Liên Hợp Quốc cũng lên án các vụ phóng thử tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng trong năm nay.
Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP) dẫn lời các các chuyên gia phân tích ngày 16/5 nhận định, Trung Quốc có thể sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử tên lửa mới ngày 14/5. Được biết, vụ phóng thử diễn ra chỉ vài giờ trước khi Bắc Kinh tổ chức diễn đàn “Vành đai và Con đường” – một sự kiện ngoại giao được cho là lớn nhất trong năm nay của nước này.
Theo giáo sư Su Hao của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, Triều Tiên sẽ “phải chịu trách nhiệm và trả giá” vì vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
“Đây cũng có thể là cơ hội để Trung Quốc có thể khởi xướng một số kế hoạch hợp lý để đối phó Bình Nhưỡng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, giáo sư Su bình luận.
Trước đó, hồi tháng 2/2017, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than đá của Triều Tiên. Được biết, than đá vốn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.
“Chắc hẳn Triều Tiên đã phải chuẩn bị đối phó những biện pháp trừng phạt trước khi tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất này”, Jin Meihua đến từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á tại tỉnh Cát Lâm nhận định.
Lee Dong-ryul đến từ Đại học Nữ giới Dongduk của Hàn Quốc cho rằng, khi ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên suy giảm, một trong những biện pháp hữu hiệu còn lại đó là cắt nguồn cung cấp dầu khí cho Bình Nhưỡng.
“Nhưng đây có thể sẽ là biện pháp cuối cùng mà Bắc Kinh muốn dùng tới bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng hậu quả của biện pháp này là quá lớn và vượt ngoài tầm kiểm soát”, Lee nói.
Thiên An (Theo SCMP)